Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, cần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc ở từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam...
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu.
Chiều 12/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội thảo phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban BCĐ Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; thành viên BCĐ Trung ương Cuộc vận động cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Nam, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi.
Tác động tích cực đến toàn xã hội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh ghi nhận, sau gần 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành và đông đảo các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân hưởng ứng và bước đầu đạt được những kết quả thiết thực, góp phần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt, khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, đồng thời phát huy được lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân trước những khó khăn, thách thức của đất nước, góp phần huy động nội lực trong nước để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
“MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện Cuộc vận động. Đến nay, cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, sức mua sắm hàng hóa Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường và phát triển thị trường nội địa”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của BCĐ cuộc vận động các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo.
Với một lực lượng gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó 98% là DN nhỏ và vừa), doanh nghiệp Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp trên 60% vào GDP; có những doanh nghiệp lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho quốc gia và cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu khẳng định thương hiệu, uy tín trong nước và mang thương hiệu Việt đến với thế giới.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, nhận thức và sự thành công của Cuộc vận động phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của BCĐ Cuộc vận động các cấp, sự nhiệt tình các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, sự hưởng ứng của người tiêu dùng trên cả nước; đặc biệt sự sáng tạo, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm và của các doanh nghiệp.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp Việt?
Tại Hội thảo, đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai Cuộc vận động và đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực và Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu thực trạng, sự liên kết của các DN nhỏ và vừa Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có qui mô lớn hơn. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn ngủi, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ…
Chính vì vậy, trong giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Từ đó, ông Tô Hoài Nam cho rằng cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo quy định của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, khơi dậy cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc hỗ trợ DNnhỏ và vừa.
Bên cạnh đó cần tăng cường kết nối doanh nghiệp các vùng miền; thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng và Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị.
Ở một góc nhìn khác, khi đề cập đến giải pháp trong triển khai kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục phó Cục QLTT, Bộ Công Thương cho rằng, cần phải tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của tổ chức, cá nhân trong lực lượng QLTT; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích.
Đồng thời cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành; đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do BCĐ 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Quang cảnh Hội thảo.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, TSKH Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đề xuất, thời gian tới, các bộ, ngành chức năng cần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước bằng biện pháp cổ phần hóa; áp dụng cơ chế quản trị doanh nghiệp theo chuẩn các nước tiên tiến (OECD); xây dựng chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp; giảm chi phí logictics, hạ thấp lãi suất, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt và phù hợp…
Cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu - triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhập bằng phát minh sáng chế áp dụng và thương mại hóa; có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thành lập mới và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động.
Đại diện cho tiếng nói từ cơ sở, ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Cùng với đó, phối hợp với các ngành chức năng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ, sản xuất sản phẩm hợp thị hiếu, giá cả hợp lý, phát huy vai trò trong sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng ngoại nhập lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xử lý nghiệm những trường hợp vi phạm tạo môi trường lành mạnh trong sản xuất và kinh doanh, dịch vụ.
Từ những ý kiến tại Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, các tham luận đã đề cập đến tình hình sản xuất và sử dụng hàng Việt trong thời gian qua, đồng thời đã phản ánh được những tác động của tình hình quốc tế, khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới Cuộc vận động trong bối cảnh hiện nay, từ đó chỉ ra vai trò của BCĐ Cuộc vận động các cấp và vai trò của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo sức lan tỏa cho hàng Việt.
“Những ý kiến tại Hội thảo sẽ được tiếp thu đầy đủ, là cơ sở quan trong cho việc đánh gía tổng quan tình hình triển khai Cuộc vận động 10 năm qua”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị thời gian tới, các thành viên của BCĐ Trung ương Cuộc vận động cần tập trung bám sát các Chỉ thị, Kết luận, các Đề án để triển khai các hoạt động của BCĐ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc ở từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; ưu tiên lựa chọn dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước khi thực hiện mua sắm công; truyền thông, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa là kết quả hoạt động KH&CN đến người tiêu dùng trong nước.
Đối với BCĐ tại các địa phương, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, cần báo cáo với Tỉnh uỷ, UBND để có những giải pháp hiệu quả hơn từ công tác tuyên truyền cho đến triển khai các mục tiêu nội dung của các đề án của Chính phủ và các chương trình hành động do địa phương phê chuẩn.
Đây chính là tiền đề để Tổng kết 10 năm Cuộc vận động có được kết quả tốt nhất, và chỉ ra những vấn đề cốt lõi nhất, cơ bản nhất nhằm đề xuất những giải pháp hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng ứng phó với những khó khăn mà tình hình kinh tế đặt ra.
Các đại biểu tham quan nơi trưng bày sản phẩm hàng Việt.