Năm 2024 du lịch Việt Nam tiếp tục có những thành tựu vượt bậc, không chỉ thể hiện ở lượng khách du lịch nội địa và quốc tế tăng mạnh, mà còn liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình triển khai Luật Du lịch trong thực tế cũng gặp phải không ít khó khăn cần sớm được tháo gỡ, tạo đà cho du lịch tiếp tục bứt phá...
Chờ cán đích
Nếu tính tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024, con số thống kê mới nhất từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, nước ta đã đón 15.836.661 triệu lượt khách, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2023, xấp xỉ đạt mục tiêu đặt ra là 17 - 18 triệu khách quốc tế.
Về quy mô thị trường, khách đến từ châu Á chiếm gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 12,6 triệu lượt. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Australia, Thái Lan…
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Một con số ấn tượng, một trong những điểm sáng trong bức tranh của nền kinh tế. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhận định, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Nói về những điểm nhấn của du lịch trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Bộ tổ chức thành công Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới". Sự kiện này đã nhận được đánh giá cao từ phía Hoa Kỳ và các nhà làm phim tinh hoa của thế giới. Sau hội nghị, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết và có ít nhất 5 đoàn làm phim quốc tế sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện lớn được tổ chức thành công đã để lại tiếng vang lớn trong giới doanh nghiệp và bạn bè du khách quốc tế về tiềm năng du lịch của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác rất tốt thế mạnh du lịch nông thôn, gắn với định hướng du lịch xanh, phát triển bền vững.
Điển hình là sau làng Tân Hóa (Quảng Bình), làng Thái Hải (Thái Nguyên), đến làng rau Trà Quế (Quảng Nam) vừa được tổ chức du lịch Liên hợp quốc công nhận là Làng du lịch tốt nhất, theo tiêu chí ASEAN. Sáng kiến “Làng du lịch tốt nhất” không chỉ ghi nhận những thành tựu đáng chú ý của những ngôi làng này mà còn nhấn mạnh sức mạnh chuyển đổi của du lịch.
Điểm đến của giới siêu giàu
Đặc biệt, trong năm 2024, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”... Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) khu vực châu Á cũng đánh giá cao nhiều tỉnh, thành và điểm du lịch tại Việt Nam.
Cùng với đó, các loại hình du lịch mới phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua theo xu thế, đáp ứng nhu cầu của thị trường như du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, carnival, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế, du lịch ẩm thực, du lịch thiện nguyện, du lịch tín ngưỡng... Hiện ngoài 5 nhóm sản phẩm du lịch có thương hiệu, một số sản phẩm du lịch mới đã được phát triển, đưa vào phục vụ du khách như: Chuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng; Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội…
Định vị thương hiệu du lịch Việt cũng đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Năm 2024 chứng kiến nhiều người thuộc giới siêu giàu thế giới đã tới Việt Nam du lịch; nhiều tỉ phú, du khách có mức chi tiêu cao lựa chọn để tổ chức các sự kiện trọng đại. Công ty TNHH Du lịch Vietravel cũng cho biết, công ty đón nhiều đoàn khách VIP, gồm tỷ phú, giới siêu giàu ở Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Quốc với số lượng "tăng đáng kể" so với những năm trước.
Mới đây, ngày 16/10, sân bay Đà Nẵng cùng lúc đón 5 siêu tàu bay Gulfstream sang trọng và đắt đỏ bậc nhất thế giới. Đó là 5 chiếc chuyên cơ huyền thoại của Gulfstream chở theo 50 khách hàng là các tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới và các đối tác vận hành của Gulfstream tụ hội về Đà Nẵng để tham dự Hội nghị khách hàng thường niên.
Trước đó, cuối tháng 8/2024, tỉ phú ngành dược của Ấn Độ đã lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi dành trọn kỳ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình. Hay hồi tháng 3/2024, tỷ phú Bill Gates dành 4 ngày ở Đà Nẵng, chơi tennis và lưu trú trong khu nghỉ dưỡng biệt lập tại bán đảo Sơn Trà... Nhờ những lượt khách siêu giàu, du lịch Việt Nam đã tạo bước ngoặt cho phân khúc du lịch cao cấp với những con số ấn tượng.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho rằng, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đầy triển vọng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Sự phục hồi này không chỉ thể hiện ở lượng khách du lịch nội địa và quốc tế tăng mạnh, mà còn qua việc Việt Nam liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Các danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến hàng đầu châu Á” đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu. Điều này không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần nâng cao giá trị văn hóa và di sản của đất nước.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, việc tháo gỡ các khó khăn trong triển khai Luật Du lịch là rất cấp thiết. Trong đó, hiện vẫn còn sự thiếu đồng bộ trong quản lý và quy hoạch du lịch. Nhiều địa phương vẫn chưa có chiến lược phát triển du lịch rõ ràng, dẫn đến tình trạng phát triển du lịch tự phát, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và văn hóa địa phương. Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng của xu thế thị trường cũng tạo ra thách thức cho các cơ quan quản lý.
“Để tháo gỡ những khó khăn này, đầu tiên, việc hoàn thiện khung pháp lý cho ngành du lịch là rất cần thiết. Cần có những quy định rõ ràng và linh hoạt hơn để các địa phương có thể phát triển du lịch một cách bền vững, đồng thời bảo vệ các giá trị văn hóa và môi trường. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Sự liên kết này sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái du lịch đồng bộ và hiệu quả, từ đó thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Việt Nam” - ông Quỳnh nói.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy cho biết, hiện sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.
Theo ông Thủy, để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có sự đột phá ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Về một số khó khăn khi thực hiện Luật Du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho biết, hiện một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Luật Du lịch. Vấn đề năng lực quản lý và nguồn lực cho sự phát triển của các địa phương cũng còn rất khó khăn, trong khi chính sách tổng thể để bổ sung nguồn lực từ thu nhập du lịch để quay sang hỗ trợ cho các địa phương thì chưa có cơ chế.
“Theo Luật Du lịch sửa đổi 2017, các địa phương cần có sự liên kết trong phát triển du lịch, nhưng khi triển khai các địa phương lại khá lúng túng. Mặc dù trong Luật khuyến khích nhưng nguồn lực ở đâu để liên kết, mô hình liên kết như thế nào, nhạc trưởng của sự liên kết thì chưa quy định rõ. Vì vậy cho đến nay liên kết của các địa phương không có hiệu quả” - PGS.TS Phạm Trung Lương nói.
Ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wonder Tour:
Luật chưa cập nhật kịp thời nhiều loại hình du lịch mới
Sự hồi phục ấn tượng của du lịch sau đại dịch Covid-19 và việc liên tiếp đạt được các giải thưởng danh giá quốc tế quả là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững, cần tiếp tục có sự chuyển mình mạnh mẽ về quản trị, chiến lược và cả khung pháp lý.
Luật Du lịch sửa đổi 2017 dù có nhiều điểm tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay. Luật chưa cập nhật kịp thời với sự ra đời của nhiều loại hình du lịch mới như du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững… Điều này gây khó khăn trong việc quản lý và thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh đó, đang còn thiếu các quy định về đô thị du lịch. Đây là một loại hình du lịch đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, nhưng lại chưa được đề cập cụ thể trong Luật Du lịch, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và phát triển. Đồng thời, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa hiệu quả, cơ chế vận hành của Quỹ cần được cải thiện để đảm bảo minh bạch, hiệu quả và thu hút được nhiều nguồn lực hơn.
Ngoài ra, việc quản lý nhà nước cần được cải thiện về sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Việc giám sát và kiểm tra hoạt động kinh doanh cần được thực hiện chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng dịch vụ và cạnh tranh lành mạnh. Đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một vấn đề cấp thiết.