Tập trung chăm lo cho người có công

N. Phượng –L.Hương 26/10/2019 07:51

Ngày 25/10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lấy ý kiến về một số nội dung còn có những ý kiến khác nhau trong dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công đối với cách mạng (sửa đổi) để trình Chính phủ.

Tập trung chăm lo cho người có công

Nhiều hoạt động tri ân người có công với cách mạng.

Quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi được sự đồng thuận của hầu hết các Bộ, Ban, ngành, MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ý kiến khác nhau như: Bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc; công nhận liệt sỹ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát; đề nghị xem xét đối tượng người có công với cách mạng là người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian để tặng Huân chương, huy chương; thực hiện trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng đối với người bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 41%...

Theo cơ quan chuyên môn về khám, chữa bệnh thì hiện nay chưa đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thệ hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Thực tế hiện nay trong việc khám chữa bệnh nguyên nhân gây dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là thế hệ thứ ba. Nếu xem xét mở rộng chính sách ưu đãi đối với thế thệ thứ ba, người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học thì tạo ra sự không bình đẳng, có sự so bì và không tương xứng với chế độ ưu đãi giữa thân nhân và người có công với cách mạng khác, nhất là thân nhân liệt sĩ, thương binh, người hoạt động cách mạng trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện nay, thương binh bị thương tật từ 41% trở lên mới được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, hiện nay đang có hiện tượng cả làng, cả xã chạy hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học. Với quan điểm của Thanh tra Bộ, để ngăn chặn việc này chúng ta nên cho đối tượng này hưởng trợ cấp một lần; như vậy người dân sẽ không cố tình đầu tư để chạy hưởng chế độ nữa.

Ông Nguyễn Bá Bồng, Phó Ban chính sách Hội Nạn nhân Da cam Dioxin Việt Nam cho rằng, việc công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát, qua quá trình soạn thảo, lấy ý kiến của các Bộ, ngành địa phương và các tổ chức cá nhân, thương binh từ 81% trở lên chết vì vết thương tái phát; trong Pháp lệnh sửa đổi năm 1995, năm 2012 chỉ quy định “Thương binh chết do vết thương tái phát” được công nhận là Liệt sĩ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thực hiện quy định này đã, đang nảy sinh sự bất bình đẳng giữa người hy sinh trong chiến tranh và bị thương trong chiến tranh nhưng chết trong thời bình đều được công nhận là Liệt sĩ, thân nhân được hưởng chính sách ưu đãi. Quá trình thực hiện cũng gặp nhiều hệ lụy như tình trạng bổ sung hồ sơ, các cơ sở y tế cấp xã xác nhận nâng hạng, nâng mức thương tật để đủ điều kiện xác nhận…

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của người có công với cách mạng. Việc Bộ đề xuất xây dựng dự thảo dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) để sửa đổi toàn diện để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung chăm lo cho người có công