Tính đến chiều ngày 20.9, đợt mưa lũ vừa qua tại Thanh Hóa đã làm 4 người chết, 2.611 hộ dân; 9 công sở, trạm y tế, cơ sở chế biến, sản xuất lâm sản bị ngập; 62 ngôi nhà sập, hư hỏng, ngập bùn đất do lũ quét, sạt lở đất. Có 21 điểm thuộc các tuyến đường Quốc lộ; 29 điểm thuộc tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở, bồi lấp. Về nông nghiệp, hơn 5.600 ha lúa mùa; trên 4.00 ha mía, hoa màu các loại chìm trong biển nước; 470 ha diện tích nuôi trồn thủy sản bị tràn; hơn 580 con gia súc cùng 15.500 con gia cầm
Hiện tại, chính quyền và người dân tại Thanh Hóa
đang khẩn trương “cứu” 5.600 ha lúa mùa.
Điều mà hiện nay đáng lo ngại nhất tại Thanh Hóa là nhiều hồ đập nhỏ, kênh mương thủy lợi ở các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Quan Sơn… và hơn 280m đê hữu sông Mã đoạn K2+027 – K2+311 cùng nhiều vị trí đê cấp IV đã bị sạt lở sát chân đê, uy hiếp đến khu dân cư. Thậm chí nhiều đoạn sạt sâu từ 2 – 10m, mép bãi chỉ còn cách nhà dân 10 – 20m.
Trong hai ngày 19 – 20.9, thời tiết tại Thanh Hóa đã nắng ráo nên các địa phương đang tập trung bơm nước tiêu úng cứu lúa; đồng thời, huy động các đoàn thể giúp nông dân thu hoạch những diện tích lúa mùa đã chín trên 80%. Đặc biệt, huyện Thạch Thành – địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất đã huy động hơn 500 đoàn viên đến các xã Thành Vinh, Thành Kim, Thạch Lâm, Thành Mỹ…vừa giúp dân cứu lúa vừa hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường.
Ông Bùi Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cũng lo lắng cho biết: Tuy đợt lũ lần này không lớn nhưng do đang là thời điểm chính vụ gặt lúa mùa và gieo trồng cây vụ đông nên thiệt hại về nông nghiệp rất nặng nề. Thống kê sơ bộ đến chiều 20/9, toàn huyện có 3 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 1.515 hộ ngập sâu trong lũ; hơn 1.300 ha cây màu các loại; trên 1.500 ha lúa bị ngập (trong đó khả năng mất trắng trên 500 ha); một số tuyến đường giao thông, kênh mương, cống bị sạt lở, vùi lấp.
“Hiện tại thôn Biện, xã Thạch Lâm đang có 88 hộ dân nằm trong vùng ngập lụt, con đường độc đạo vào thôn đã được bê tông hoá nhưng thường xuyên ngập lụt khi nước sông Bưởi lên. Vào mùa mưa lũ việc đi lại cũng như công tác di dời dân ở thôn này vô cùng khó khăn. Do đó, chúng tôi khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh đầu tư nâng cấp cầu tràn liên hợp khẩu độ lớn đi từ thôn Đồi vào thôn Biện để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi quan đoạn đường này”, ông Thông kiến nghị.
Cũng theo ông Bùi Minh Thông, trước mắt Thạch Thành tập trung chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa bị ngập chủ động huy động lực lượng tại chỗ giúp dân thu hoạch lúa theo phương châm nước rút đến đâu gặt gọn đến đó. Đồng thời, sửa chữa đường giao thông và xử lý môi trường sau lũ.
Ngoài huyện Thạch Thành, sau khi trời hửng nắng nông dân các huyện lúa khác như Thiệu Hóa, Quảng Xương, Yên Định, Hoằng Hóa, Nông Cống…cũng đã huy động hàng chục chiếc máy gặt đập liên hợp xuống đồng thu hoạch lúa, né tránh thiên tai.
Được biết, đến thời điểm này toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 55% diện tích (trên 71 nghìn ha) lúa mùa chưa thu hoạch. Nếu những ngày tới trời tiếp tục đổ mưa, nguy cơ mất trắng hàng nghìn ha lúa là khó tránh khỏi. Để khắc phục hậu quả lũ lụt tỉnh Thanh Hóa đề xuất Trung ương kịp thời hỗ trợ kinh phí để tu sửa các tuyến đê xung yếu và các tuyến đường giao thông huyết mạch vừa bị sạt lở. Đồng thời, hỗ trợ 20 tấn hạt giống rau các loại để mở rộng sản xuất vụ đông, bù đắp lại diện tích bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.