Cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao. Theo các chuyên gia kinh tế, dòng chảy tín dụng khơi thông sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Đại diện Công ty CP Hoàng Minh Nhật (Sóc Trăng) chia sẻ, 90% lượng gạo sản xuất ra của doanh nghiệp (DN) này đã có đầu ra. Việc giá gạo tăng lên mức cao thời gian qua đã giúp các DN ngành lúa gạo mạnh dạn đầu tư sản xuất. Công ty đã liên tục có ngân hàng chào mời vay vốn.
Trong khi đó ông Trần Văn Chung - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài (Trà Vinh) cho biết, HTX đang được hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ 30% chi phí sạ cụm, 100% phân bón, song HTX vẫn có nhu cầu hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy cuộn rơm. Bởi sản xuất chuỗi giá trị lúa phát thải thấp có yêu cầu cao về vấn đề thu gom, xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Điều này đòi hỏi HTX phải có máy cuộn rơm, nhưng chi phí cho mỗi chiếc máy cuộn rơm lên đến hàng tỷ đồng.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, lâm sản đang có dấu hiệu tích cực. Thời gian qua, tín dụng đối với ngành lúa gạo luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay ngành lúa gạo toàn quốc đạt 220.937 tỷ đồng, tăng 6,11% so với cuối năm 2023 (cuối năm 2023 tăng 24,09%).
Tương tự, với chương trình tín dụng ưu đãi lâm, thủy sản, tính đến giữa tháng 9/2024, toàn ngành ngân hàng đã giải ngân đạt 36.000 tỷ đồng, vượt 6.000 tỷ đồng so với quy mô 30.000 tỷ đồng được bổ sung hồi tháng 2/2024. Hiện nay, ngành ngân hàng tăng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thủy sản lên 60.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM thông tin, qua việc triển khai gói tín dụng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản có thể thấy cộng đồng DN đã tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, kích thích sản xuất và trở thành động lực thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng.
Ông Lệnh dẫn ví dụ, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, lĩnh vực hoạt động lâm sản, thủy sản tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong GRDP, song kết quả giải ngân vẫn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu vốn cho DN, hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực lâm sản thủy sản, mang lại kết quả tích cực.
Theo đó đến nay, trên địa bàn TPHCM, doanh số giải ngân đạt 3.041 tỷ đồng, với 2.021 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó giải ngân lĩnh vực thủy sản chiếm trên 90% tổng doanh số cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ gói tín dụng này.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang cải thiện dần. Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, NHNN cho hay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (so với cùng kỳ đạt 5,73%).
Trong giai đoạn cuối năm 2024, nhiều chính sách đáng chú ý có thể tác động đến tín dụng. Cụ thể, NHNN tiếp tục chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; nâng gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực thủy sản và lâm sản từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng và thậm chí mở rộng hơn. Phía các ngân hàng thương mại cho biết, sẵn sàng mở rộng hạn mức cho các chương trình ưu đãi nếu các DN có nhu cầu.
Chẳng hạn PVcomBank triển khai sản phẩm tín dụng DN dệt may, với mục tiêu đa dạng giải pháp tài chính. Trong khi đó, một số ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ riêng dành cho DN cần thu mua nông sản, như: NamABank, LPBank, HDBank…