Ngay sau cơn bão số 4, chính quyền tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng người dân địa phương đã khẩn trương sửa chữa lại hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, thu dọn cây cối ngã, đổ và khắc phục các tuyến đường để giao thông được thông suốt.
Theo đó, 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã huy động mọi nguồn lực, ra quân lợp lại nhà tốc mái, sửa chữa các nhà hư hỏng, ngã, đổ cho các hộ dân, thu dọn bùn đất, chặt hạ cây cối ngã, đổ, sửa chữa các tuyến đường bị sạt lở để các phương tiện được lưu thông. Hàng nghìn nhân viên điện lực tập trung thiết bị, máy móc khẩn trương sửa chữa lại lưới điện để phục vụ sản xuất, kinh doanh,... Tất cả nỗ lực nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, người dân phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tích cực dọn dẹp rác thải ùn ứ trên cầu An Hội, đoạn qua phường Minh An, TP Hội An và các hộ dân sinh sống dọc 2 bên đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học….
Tranh thủ trời nắng ráo sau bão, ông Lê Văn Cường - người dân trú tại phường Minh An (Hội An) đang dùng vòi xịt công suất lớn để rửa sạch bùn đất tại đường Nguyễn Hoàng. Ông Cường chia sẻ: Thường thì việc xử lý bùn đất ở mặt đường do công nhân môi trường đảm trách, nhưng sau bão, bùn đất tràn ngập khắp nơi nên người dân phải có trách nhiệm. Tôi tranh thủ nước rút, dùng vòi nước xịt công suất lớn rửa cho sạch để còn đón du khách. “Không chỉ chúng tôi mà nhiều du khách, trong đó có cả du khách nước ngoài cũng giúp người dân dọn dẹp cho phố cổ sạch đẹp trở lại” - ông Cường nói.
Còn ở TP Tam Kỳ, ông Võ Quang - trú phường An Mỹ cho biết, cơn bão số 4 đã làm ngôi nhà tôi sập đổ hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và ghi nhận thiệt hại để các ngành chức năng xem xét hỗ trợ. Tôi đang thuê thợ xây dựng lại ngôi nhà để có chỗ kinh doanh buôn bán trở lại.
Trong khi đó tại huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), lực lượng Bộ đội, dân quân và gần 60 cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ đã huy động lực lượng, phương tiện đến giúp địa phương khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Ông Hồ Văn Phụng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) cho biết: “Cơn bão làm tốc mái 4 phòng học, hư hỏng nhiều tài sản phục vụ dạy học. Lực lượng chức năng cùng thầy, cô giáo đã khẩn trương dọn dẹp, bố trí phòng học tạm để cho học sinh đi học trở lại”.
Trên các huyện miền núi, công tác khắc phục hậu quả bão, lũ cũng đang được khẩn trương. Như tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Tại thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, cộng đồng Cơ Tu tại địa phương đã góp sức hỗ trợ nạo vét bùn đất, vận chuyển đồ đạc trở lại vị trí cũ.
Anh Coor Ứi - trú thôn Ga Lêê cho biết: “Sau bão, khắp nơi bùn đất ngập tràn, người dân cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, giúp nhau vận chuyển vật liệu sửa nhà, bà con còn tham gia thông tuyến các tuyến đường dân sinh. Nhưng mưa lớn mấy ngày sau bão đã gây rất nhiều khó khăn”.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, chính quyền huyện cùng các ngành chức năng của tỉnh, lực lượng biên phòng, thanh niên và dân quân địa phương đã khẩn trương giúp bà con bằng cách dọn dẹp bùn tràn vào nhà, chặt đốn cây cối ngã, đổ và sửa chữa các tuyến đường liên thôn, xã bị sạt lở để phương tiện lưu thông đi lại ổn định.
Còn tại huyện miền núi Nam Trà My, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trên địa bàn có 218 ngôi nhà bị tốc mái tại 9/10 xã. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng khẩn trương sửa chữa, lợp lại nhà cho người dân. Có 2 điểm sạt lở lớn tại tuyến thôn 3 đi Tak Răng, thôn 2, xã Trà Cang và tuyến đường Tak Ngo - Măng Lùng, xã Trà Linh, đang tập trung khắc phục”.
Có những nơi đến giờ công tác khắc phục bão, lũ vẫn còn nhiều khó khăn, như ở huyện biên giới Tây Giang, tuyến đường ĐT606 bị sạt lở đất, đá tràn xuống mặt đường kéo dài hơn 10m, khiến 4 xã vùng cao biên giới với dân số khoảng 6.000 người bị cô lập. Nhưng nhờ chuẩn bị kỹ từ trước cơn bão số 4 nên các xã này đã tích trữ đủ lương thực, thực phẩm phục vụ người dân. Việc khắc phục các tuyến đường đang được khẩn trương thực hiện.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi, bão đã làm hàng chục ngôi nhà của người dân đảo Lý Sơn bị tốc mái, cây cối ngã, đổ và nhiều diện tích cây hành tím hư hỏng. Chính quyền huyện Lý Sơn cùng người dân đã khẩn trương khắc phục thiệt hại. Ngoài lực lượng chức năng huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã cắt cử hơn 100 cán bộ, chiến sĩ xuống tận các khu dân cư hỗ trợ bà con sửa lại nhà cửa, xử lý bùn đất bồi lấp các tuyến đường, tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường; giúp các trường học chỉnh trang cảnh quan, môi trường để học sinh đi học trở lại.
Bà Bùi Thị Duyệt - trú thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho hay: “Nhà của tôi cách biển chừng vài mét, gió bão mạnh đã làm tốc mái trước, nhiều đồ đạc trong nhà bị ướt và hư hỏng. Bộ đội cùng với lực lượng dân quân đã đến giúp đỡ lợp lại mái nhà nên gia đình tôi giờ đã ổn định cuộc sống sau bão”.
Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích có mặt giúp dân khắc phục nhà cửa, thu dọn cây cối ngã, đổ, xử lý rác thải. Tất cả đang nỗ lực để ổn định cuộc sống của người dân
Trong khi đó, ông Ngô Văn Dụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thông tin: “Sau khi bão tan, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xung kích khẩn trương dọn dẹp bùn đất và giúp người dân lợp lại nhà, cắt tỉa cành cây ngã, đổ. Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn đã ổn định cuộc sống, đi vào sản xuất, buôn bán trở lại bình thường”.
Gặp chúng tôi, ông Kiều Hà - người dân trú xã Bình Thuận chia sẻ: “Dù bão số 4 đã đi qua, nhưng vợ chồng tôi vẫn còn hoảng sợ vì căn nhà cấp 4 của gia đình đã bị đổ sập hoàn toàn, khiến gia đình thiệt hại nặng về tài sản. Nhưng may nhờ chính quyền xã Bình Thuận cùng các ngành chức năng và các nhà hảo tâm đến giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa và hỗ trợ góp phần sửa chữa nhà nên tôi cảm thấy an tâm”.
Hiện tại 2 địa phương nói trên đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả bão, lũ, nhưng tại các huyện miền núi, nhiều nơi còn ách tắc giao thông do sạt lở núi. Trong khi đó, mưa lớn vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi nên công việc khắc phục sau bão vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, cơn bão số 4 đã làm 94 người bị thương, 126 ngôi nhà hư hỏng trên 70%, 118 nhà bị hư hỏng từ 50% - 70%; có 305ha lúa, 564ha hoa màu, 332ha cây lâu năm, 663ha cây ăn quả, 3.557ha rừng, 8.000ha cây giống bị hư hại và 17.046 con gia cầm bị thiệt hại.... Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, có 29 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 56 ngôi nhà bị hư hỏng từ 50 đến 70% và có 1.650 con gà, vịt bị chết; có 307ha hoa màu, 19,85ha cây ăn quả bị hư hỏng…
Tặng 200 suất quà cho bà con bị thiệt hại do bão số 4
Ngày 2/10, ông Phan Công Ry - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam cho biết, vợ chồng nghệ sĩ Trường Giang và Nhã Phương đã trao tặng 200 suất quà (mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 1 áo gió), cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do bão số 4 gây ra ở các xã Bình Chánh, Bình Quý, huyện Thăng Bình và xã Tam Đại, Tam Dân, Tam Lãnh;…huyện Phú Ninh. Qua đó, mong muốn bà con bị thiệt hại do bão số 4 gây ra sớm ổn định cuộc sống trở lại. Dịp này, vợ chồng nghệ sĩ Trường Giang và Nhã Phương cũng đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình bà Lê Thị Ánh Thi, bà Nguyễn Thị Ngự, cùng trú xã Bình Chánh và Trần Thị Cầm, trú xã Tam Đại. Đây là những trường hợp có nhà tốc mái hoàn toàn do cơn bão số 4 gây ra.
T.Thành - C.Đại