Là đơn vị chủ lực xây dựng các công trình dầu khí trên đất liền, PVC đã và đang đảm nhiệm nhiều công trình trọng điểm quốc gia, các gói thầu quan trọng có kỹ thuật xây dựng công nghiệp cao. Các siêu dự án này đều có vốn đầu tư cực lớn có thể lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Vinh dự và trọng trách lớn như vậy nhưng mặt khác mức độ rủi ro cũng cực lớn khi chỉ cần một dự án, công trình gặp vấn đề về thanh quyết toán, thu hồi công nợ thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả sản xuất kinh do
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVC làm Tổng thầu EPC.
Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) đã và đang đảm nhận những công trình, gói thầu lớn, nỗ lực kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thật đáng mừng khi 10 tháng qua PVC đã đạt lợi nhuận hơn 200 tỉ đồng, nhưng không thể phủ nhận vẫn còn đó những gian nan khi triển khai những siêu dự án.
Nhắc đến PVC và các dự án lớn, trước tiên phải nói đến Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ Thái Bình 2) có công suất thiết kế 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ (tương đương 1,7 tỉ USD), mỗi năm sản xuất được khoảng 7 tỉ kWh điện thương phẩm. Hiện nay, doanh thu tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chiếm đến 90% doanh thu của Công ty Mẹ PVC và 70% doanh thu của toàn tổ hợp.
Khẳng định việc triển khai dự án là phải đối đầu với thách thức, Lãnh đạo Tổng Công ty PVC cho rằng Dự án Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án ưu tiên số 1 của PVC.
Đây là một dự án lớn, có tính chất phức tạp, do vậy mức độ rủi ro cũng rất lớn và nguy cơ chậm tiến độ luôn thường trực. Để đáp ứng tiến độ hoàn thành và vận hành tổ máy số 1 trong 39 tháng, tổ máy số 2 trong 45 tháng, Ban Điều hành dự án phải phối hợp chặt chẽ tất cả các khâu với các ban chuyên môn PVC cũng như Ban Quản lý Dự án của Tập đoàn và các đơn vị tham gia khác.
Tổng công ty phải có những đột phá giải pháp để tránh những rủi ro phát sinh cũng như nguy cơ chậm tiến độ dẫn đến phạt hợp đồng. Kiểm soát được các rủi ro về vấn đề pháp lý, dòng tiền, tiến độ và giá cả nguyên vật liệu đầu vào thay đổi. Thời gian tới, dự án sẽ bước vào cao điểm xây dựng, do vậy ban điều hành phải có những biện pháp đảm bảo an toàn, đề xuất các phương án thực hiện.
Bên cạnh đó, tổng công ty sẽ tăng cường giám sát và hỗ trợ ban điều hành mọi mặt, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bên, với các công ty con, các nhà thầu phụ bên ngoài, các đơn vị liên quan trong và ngoài nước và với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm đưa dự án về đích đúng tiến độ, chất lượng và an toàn tuyệt đối.
Đối với một doanh nghiệp chuyên ngành xây lắp, sự sống còn của đơn vị phụ thuộc vào nguồn việc. Thời gian qua, diễn biến phức tạp của giá dầu cùng với thị trường tài chính không ổn định khiến thị trường bất động sản vẫn đóng băng… đã có những tác động tiêu cực đến công tác tìm kiếm nguồn việc làm, tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thoái vốn của PVC.
Bởi vậy, một trong những điểm sáng đáng ghi nhận của PVC trong thời gian qua là công tác tiếp thị đấu thầu đã đạt được một số thành quả. Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đã rất nỗ lực tìm kiếm tiếp thị tại các công trình, dự án. Toàn tổ hợp đã ký kết được 16 hợp đồng mới với tổng giá trị gần 3.600 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty Mẹ PVC ký kết hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu có giá trị hơn 2.555 tỉ đồng, các công ty thành viên ký được 15 hợp đồng có tổng giá trị hơn 1.031 tỉ đồng. Mặt khác, PVC cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Liên doanh Vietsovpetro, ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Posco E&C Việt Nam nhằm tạo cơ hội hợp tác, cùng phát triển trong việc tham gia cung cấp các dịch vụ về xây lắp trong nước và quốc tế.
Trong năm 2016, Công ty Mẹ PVC đã hoàn thành bàn giao công trình san lấp và xử lý nền Nhà máy Xử lý khí Cà Mau, gói thầu Building 3B tại Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hoàn thành Trung tâm Phân tích thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí phía Nam giai đoạn 1, bàn giao Dự án Âu tàu Rạch Chanh và Trung tâm Điều khiển Âu tàu cho chủ đầu tư. Tổng Công ty PVC và các đơn vị thành viên đã khởi công gói thầu thi công các hạng mục xây dựng tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, gói thầu thi công các hạng mục xây dựng số 2 thuộc Dự án Nhà máy Xử lý khí Cà Mau…
Đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng biểu dương những nỗ lực của tập thể người lao động PVC trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định rằng, lãnh đạo Tập đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ, cùng với PVC tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại từng dự án, công trình để tổng công ty có thể ổn định và phát triển. Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng cũng đặc biệt lưu ý PVC cần nỗ lực hơn nữa, nhanh chóng giải quyết dứt điểm những tồn tại như vấn đề vận chuyển thiết bị cho Dự án NMNĐ Thái Bình 2, lên kế hoạch chi tiết để sử dụng hiệu quả dòng tiền của các dự án, xây dựng hệ thống xem xét đánh giá hiệu quả các dự án đã và đang triển khai thi công. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, lập quy trình xử lý hồ sơ, quyết toán một cách nhanh nhất, giảm thiểu rủi ro nợ xấu, nợ đọng…
Tổng doanh thu PVC năm 2016 dự kiến đạt hơn 11 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 302 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước lên đến 618 tỉ đồng. |
Có thể nói, những kết quả sản xuất kinh doanh đáng khích lệ của PVC trong thời gian qua là một tín hiệu đáng mừng, đặc biệt trong giai đoạn ngành dịch vụ dầu khí đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cần cán bộ, công nhân viên tổng công ty không ngừng nỗ lực, thực hiện toàn diện các giải pháp mạnh về tài chính, nhân sự và sáng tạo trong lao động sản xuất mới có thể giúp PVC ổn định, phát triển bền vững.