Công nghệ

Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?

Thái Nhung 18/07/2024 16:59

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cùng các doanh nghiệp (DN) di động đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số.

dt(1).jpg
Những điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only) sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam sau ngày 16/9/2024. Ảnh minh họa: vietnamnet.vn

Tại tọa đàm do Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TTTT) tổ chức ngày 18/7, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến giúp cho cơ quan quản lý, DN và người dân chuyển từ 2G lên sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G thuận lợi nhất.

Xu hướng tất yếu

Trong những năm gần đây số lượng các nhà khai thác dừng công nghệ 2G trên thế giới tăng lên đáng kể và tất cả các nước đều lên kế hoạch dừng cả 2 công nghệ này vào năm 2030 theo báo cáo của GSA. Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2024, có khoảng 37 quốc gia đã tắt hoàn toàn mạng 2G.

Tại Việt Nam, qua nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các DN, Bộ TTTT xác định công nghệ 2G, 3G đều là công nghệ cũ, tuy nhiên, 2G là công nghệ cũ hơn; hầu hết thiết bị mạng 2G của các DN di động đã hết khấu hao, đa phần là các thiết bị lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn, hiệu suất sử dụng tần số không cao, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa. Do vậy, chủ trương dừng công nghệ 2G đã được đồng thuận và thể hiện tại thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết, việc dừng công nghệ 2G theo 2 pha: Pha 1 - Tháng 9/2024 dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only). Pha 2 - Tháng 9/2026 dừng hệ thống 2G, còn 3G thì 2028. Hiện nay, các DN dựa trên thực tế khai thác của mình sẽ tắt dần các trạm 2G tại các khu vực không phát sinh lưu lượng qua mạng 2G.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, dừng công nghệ 2G là tất yếu, việc này đem lại nhiều lợi ích cho người dân, xã hội và DN. Cụ thể: Đối với người dân: Người sử dụng có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ hành chính công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận thông tin qua các ứng dụng khi truy cập Internet; Đối với DN: Giảm chi phí vận hành cho DN; tập trung cho nâng cao chất lượng, vùng phủ mạng 4G đầu tư phát triển công nghệ 5G, tăng trưởng doanh thu cho DN viễn thông, đồng thời tăng doanh thu của các DN cung cấp dịch vụ nội dung, dịch vụ ứng dụng viễn thông và tạo cơ hội mới cho các DN Việt Nam sản xuất và cung cấp thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ mới; Đối với nhà nước: Góp phần giảm khí thải nhà kính, dần từng bước triển khai mạng di động sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng…

Người dân cần chuẩn bị gì?

Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TTTT đã chỉ đạo các nhà mạng di động phải triển khai hạ tầng mạng 4G, đảm bảo có vùng phủ thay thế các trạm thu phát vô tuyến 2G đã tắt tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng. Đồng thời, người dân đang sử dụng các máy điện thoại 2G Only cần chủ động hoặc tiếp cận các chương trình hỗ trợ của DN di động, thực hiện chuyển đổi sang máy điện thoại 4G nhằm đảm bảo tiếp tục sử dụng dịch vụ di động. Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam thì việc tắt sóng 2G không chỉ là việc riêng của nhà mạng, mà có phần trách nhiệm của nhà nước và người dân… tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân phải có smartphone. Câu hỏi đặt ra là bây giờ thị trường smartphone thế nào? Ở đây người dân phải có smartphone, kèm theo đó là kỹ năng sử dụng, smartphone phải được cung cấp với giá cả cả hợp lý.

Hiện nay, theo kế hoạch chi tiết thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G của các DN di động đã báo cáo, dự kiến số thuê bao 2G Only đến tháng 9/2024 hoặc giảm về 0 hoặc còn số lượng nhỏ dưới 5%. Các DN vẫn đang nỗ lực đảm bảo tất cả người dùng được truyền thông và đồng thuận với việc chuyển đổi sang điện thoại công nghệ 4G. Các DN viễn thông cũng đã và đang có kế hoạch để hỗ trợ và chuyển đổi thiết bị di động chỉ có sóng 2G lên 4G với nhiều hình thức ưu đãi khác nhau. Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecomcho biết: “Viettel đã đưa ra những chính sách hỗ trợ rất mạnh như giám giá máy từ 30-50%. Tổ chức truyền thông sâu rộng thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, người có uy tín trong cộng đồng, tổ chức bán hàng lưu động đến tận cấp xã, tổ chức điểm hỗ trợ chuyển đổi 24/7. Trong quá trình làm có rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều lần với tập khách hàng này, nhiều người biết thông tin nhưng chưa ủng hộ, dù chúng tôi đã có chính sách giảm giá. Với khách hàng Viettel, 70% ở nông thôn, miền núi, đối tượng khó khăn, hộ nghèo nhiều, không có khả năng chi trả nên cũng khó khăn trong việc chuyển đổi… Trong thời gian tới, Viettel sẽ đề xuất, phối hợp và hỗ trợ kinh phí để các chuỗi bán lẻ di động tham gia vào việc chuyển đổi cùng nhà mạng, nhằm huy động thêm nguồn lực xã hội". Tương tự, các nhà mạng VinaPhone, MobiFone...và các DN di động cũng tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân.

Với vài trò là cơ quan quản lý về nhà nước, Bộ TTTT đang và sẽ tiếp tục yêu cầu DN thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Truyền thông tới từng thuê bao; có giải pháp hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng, đặc biệt là người dùng yếu thế như người già, người có thu nhập thấp, người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời có hình thức hỗ trợ để phù hợp với các thuê bao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên.

Để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G, Bộ TTT đang xây dựng nghị định hướng dẫn luật viễn thông để triển khai việc hỗ trợ qua quỹ viễn thông công ích. Bên cạnh đó, Bộ TTTT cũng đã làm việc với UBND một số tỉnh, chỉ đạo các sở TTTT các tỉnh thành phố tham mưu cho Lãnh đạo UBND các tình thành phố sử dụng các nguồn hợp pháp trền địa bàn đề hỗ trợ người sử dụng đặc biệt là người sử dụng yếu thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?