Công nghệ

Tắt thiết bị dùng sóng 2G: Người dùng sẽ liên lạc thế nào?

Thái Nhung 09/03/2024 07:31

Từ tháng 3/2024, nhà mạng đã tiến hành tắt các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (2G Only). Điều này khiến nhiều người lo lắng vì không biết sẽ liên lạc thế nào nếu không chuyển đổi hoặc không có tiền mua điện thoại thông minh?

baitren.jpg
Nhiều mẫu điện thoại 4G giá rẻ đã ra thị trường phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Thái Nhung.

Người dân bất an

Bà Nguyễn Thị Tuyết (TP Vinh, Nghệ An) năm nay đã gần 70 tuổi, chia sẻ, lâu nay bà chỉ dùng điện thoại “cục gạch” để liên lạc với con cháu, người thân ở xa vì nó vừa đơn giản, dễ sử dụng lại hợp với người già. “Tôi không hiểu tại sao phải tắt sóng 2G. Tôi có nghe các con giải thích là bây giờ phải mua điện thoại thông minh để vào mạng xem tin tức, gọi video với con cháu, chuyển tiền hoặc mua bán online... Nhưng người già như tôi “mù mờ” công nghệ nên rất khó để sử dụng loại điện thoại thông minh này, tôi chỉ muốn dùng điện thoại đơn giản, pin lâu để nghe, gọi, chứ không có nhu cầu chuyển đổi sang điện thoại mới 3G hay 4G…” - bà Tuyết nói.

Ông Nguyễn Văn Thể (72 tuổi, ở Kim Thành, Hải Dương) thì không muốn mua điện thoại thông minh khi không có thu nhập gì ngoài sự chu cấp của con cái. Bản thân ông Thể cũng không có nhu cầu vào mạng hay mua bán online gì. “Tôi chỉ dùng điện thoại để liên lạc với con cháu và họ hàng nên sử dụng điện thoại “cục gạch” đơn giản, pin lâu, dễ bảo quản nên rất tiện. Giờ điện thoại “cục gạch” cũng không dùng được nữa thì sẽ rất bất tiện” - ông Thể băn khoăn.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã tắt sóng 2G. Ở Việt Nam, đây là một bước đi quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia nhằm đạt mục tiêu phổ biến việc truy cập vào mạng di động 4G, 5G và sử dụng điện thoại thông minh trên toàn quốc vào năm 2025. Quyết định “tắt sóng” mạng 2G được coi là một bước quan trọng để thúc đẩy các chương trình Chính phủ điện tử, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp (DN) viễn thông, số thuê bao 2G của các DN này là khoảng 15 triệu thuê bao. Tuy nhiên người dân không nên hoang mang bởi chỉ những điện thoại “cục gạch” 2G Only không thuộc danh sách chứng nhận hợp quy do Bộ TTTT công bố mới bị từ chối nhập mạng mới từ 1/3/2024.

Theo lý giải từ Cục Viễn thông, khi người dân đi mua một SIM hòa mạng mới, nếu điện thoại họ đang sử dụng là điện thoại 2G “cục gạch” (có thể cũ hoặc mới), không nằm trong danh sách được cấp giấy chứng nhận hợp quy, họ sẽ bị từ chối nhập mạng.

Điều này cũng có nghĩa, với những máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ 2G, đã lưu hành ở Việt Nam từ lâu và có chứng nhận hợp quy, người dùng vẫn có thể lắp SIM mới để hòa mạng bình thường. Những thiết bị không hợp quy là những thiết bị xách tay, nhập lậu hoặc nhập về Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

Khách hàng được hỗ trợ khi chuyển đổi 2G lên 4G

Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, để lộ trình tắt sóng 2G được thực hiện tốt, về phía cơ quan quản lý đã có các giải pháp như lập kinh phí hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ chuyển đổi smartphone, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua các tổ chức, DN, các hội, hiệp hội, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương; truyền thông tới người sử dụng để tạo sự đồng thuận của người sử dụng và tăng cường chăm sóc khách hàng.

Về phía DN, ông Nhã cho biết, DN chủ động xây dựng lộ trình dừng công nghệ 2G, 3G trên nguyên tắc tăng cường phủ sóng mạng bằng công nghệ 4G để đáp ứng về vùng phủ 2G cũng như đảm bảo chất lượng cho thuê bao chuyển công nghệ từ 2G, 3G sang công nghệ 4G; tắt dần các trạm 2G hoặc 3G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp; phải bảo đảm quyền lợi của người sử dụng và vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới sau khi dừng công nghệ 2G; truyền thông tới khách hàng về kế hoạch dừng công nghệ không còn phù hợp để thuê bao chủ động chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G.

Đồng thời, DN triển khai các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi các thuê bao di động công nghệ 2G sang sử dụng điện thoại di động thông minh 4G; triển khai các chương trình hỗ trợ thuê bao chuyển sang sử dụng smartphone, ban hành chính sách cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi; triển khai các ứng dụng dịch vụ công để thúc đẩy sử dụng smartphone tại địa phương; truyền thông trên các phương tiện mọi phương tiện để nâng cao nhận thức của người sử dụng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sử dụng điện thoại thông minh, tạo điều kiện cho DN viễn thông di động thực hiện chuyển đổi công nghệ di động.

“Một số người dùng lo ngại khi tắt sóng điện thoại 2G và chỉ muốn dùng điện thoại có tính năng đơn giản, dễ sử dụng, pin khỏe, giá thành phù hợp. Trên thực tế có những điện thoại sử dụng sóng 4G vẫn đáp ứng được các mong muốn trên của khách hàng vì không phải cứ điện thoại smartphone mới sử dụng được sóng 4G” - ông Nhã nói.

Đại diện một cửa hàng của hệ thống Thế giới di động cho biết, trên hệ thống các cửa hàng của chuỗi này đã không còn điện thoại chỉ có sóng 2G, các điện thoại “cục gạch” hợp quy cũng bắt được sóng 4G. Đồng thời, để chuẩn bị cho sự chuyển đổi 2G lên 4G, hệ thống này đã phối hợp với các đơn vị sản xuất để mang lại cho khách hàng các sản phẩm điện thoại 4G với hơn 15 mẫu mã chỉ từ 390.000 đồng và các sản phẩm smartphone giá rẻ; chương trình kết hợp cùng công ty tài chính để triển khai gói trả góp 0%; hay chương trình “thu cũ đổi mới” để hỗ trợ người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tắt thiết bị dùng sóng 2G: Người dùng sẽ liên lạc thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO