Sáng 1/8, diễn ra Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm những sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến những con tàu vỏ thép kém chất lượng.
Sự cố tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định khiến dư luận bức xúc.
761 tàu đóng mới đi vào hoạt động
Theo Bộ NNPTNT, tính đến ngày 30/6/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu.
Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng, tăng 14% so với 31/12/2016.
Với nguồn vốn này, tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.51 tàu, đạt 66,11% (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%).
Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 chiếc.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giải ngân hồ sơ vay vốn lưu động cho 267 lượt khách hàng. Cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng, thực hiện Nghị định 67, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách khác như chính sách hỗ trợ đào tạo hướng dẫn thuyền viên; chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sau 3 năm thực hiện Nghị định 67, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ ngư dân...
Rõ nét nhất là những kết quả quan trọng trong việc đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; đóng mới 761 tàu trong đó có 301 tàu vỏ thép; việc đào tạo thuyền viên; bảo quản hải sản theo công nghệ mới; việc tổ chức sản xuất trên các vùng biển cũng được triển khai hiệu quả hơn…
Tàu kém chất lượng, người đóng tàu chịu trách nhiệm
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 còn bộc lộ các hạn chế, tồn tại cả trong nội dung của Nghị định, cả trong việc triển khai thực hiện.
“Chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Cơ sở hạ tầng nghề cá chất lượng thấp, thiếu đồng bộ, việc đầu tư, nâng cấp chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu của ngư dân”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các chính sách về bảo hiểm còn vướng mắc, việc thực hiện bảo hiểm khi có sự cố còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, chưa hiệu quả, chưa bảo đảm tốt an toàn cho tàu cá.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, hạn chế lớn nhất trong quá trình triển khai Nghị định 67 chính là việc một số tàu vỏ thép tại Bình Định và một số tỉnh Nam Trung Bộ bị hư hỏng do chất lượng kém, vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này, như công tác kiểm soát chất lượng tàu cá còn nhiều hạn chế, từ khâu tư vấn thiết kế đến tổ chức thực hiện; công tác giám sát thẩm định còn thiếu chặt chẽ trong tất cả các khâu; công tác đăng kiểm còn bị buông lỏng. Tuy nhiên, trách nhiệm chính phải thuộc về các doanh nghiệp đóng tàu.
“Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu, và vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, đăng kiểm. Người dân không thể biết, giám sát chất lượng tàu cá.
Do đó, khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm”- Phó Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh: “Việc tăng cường kiểm tra, giám sát là cần thiết nhưng không mang tính quyết định trong việc bảo đảm chất lượng cho tàu. Quyết định chất lượng chính là các doanh nghiệp đóng tàu”.
Do đó, các doanh nghiệp đóng tàu phải nghiêm túc tuân thủ quy định, quy trình, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Yêu cầu đặt ra là chất lượng tàu đóng cho ngư dân phải được bảo đảm, đồng bộ.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NNPTNT và các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện đồng thời hai nhóm giải pháp. Một mặt tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị định 67 đã nêu ra.
Cùng với đó, phải sớm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Nghị định 67 để phù hợp hơn, áp dụng hiệu quả hơn trong thực tiễn. Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên cấp bách là sớm khắc phục sự cố tàu vỏ thép.
“Không thể người dân bỏ tiền ra mà phải mua tàu không an toàn, kém chất lượng”- Phó Thủ tướng nói và chỉ đạo: “Phải tăng vai trò giám sát của người dân, chủ tàu cá trong quá trình đóng mới, bảo dưỡng, nâng cấp tàu cá”.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc đóng mới, cải tạo tàu cá; chấn chỉnh công tác đăng kiểm.
Bình Định: 202 chủ tàu chưa ký hợp đồng vay vốn đóng tàu Theo Sở NNPTNT Bình Định, đến nay UBND tỉnh này đã phê duyệt 14 đợt các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới cho 260 tàu (149 tàu vỏ thép, 85 tàu vỏ gỗ, 26 tàu vỏ composite) khai thác thủy sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ. Trong tổng số 260 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng tàu, mới chỉ có 58 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại và đã được ngân hàng giải ngân trên 826 tỉ đồng. Hiện còn 202 ngư dân chưa ký hợp đồng với các ngân hàng để vay vốn đóng tàu, trong đó có 12 ngư dân từ chối tham gia Nghị định 67; ngân hàng thương mại từ chối cho vay đối với 17 ngư dân; 118 ngư dân chưa nộp hồ sơ vay vốn cho ngân hàng; 51 ngư dân đã nộp hồ sơ vay vốn và ngân hàng đã tiếp nhận nhưng chưa thẩm định; 4 ngư dân mới được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới tàu cá. Xuân Hiếu |