Tàu ngầm KRI 402 mất tích

Hà Anh 23/04/2021 06:41

Sự cố tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị mất tích ngay sau khi được cho phép lặn hôm 21/4 đang khiến các lực lượng chức năng của Indonesia và một số nước có tiềm lực về tàu cứu hộ tàu ngầm trong khu vực tập trung mọi khả năng có thể để khắc phục sự cố, tìm kiếm thủy thủ đoàn.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích cùng với với 53 thủy thủ đoàn trên tàu. Ảnh: The Sun.

53 thủy thủ đoàn có mặt trên tàu

Ngày 21/4, Hải quân Indonesia cho biết, tàu ngầm KRI Nanggala 402 cùng thủy thủ đoàn gồm 53 người đã tham gia một cuộc tập trận phóng ngư lôi ở vùng biển phía Bắc đảo Bali. Tuy nhiên con tàu không thông báo lại kết quả cuộc tập trận như kế hoạch và mất liên lạc vào 4h30 sáng.

Tờ Kompas dẫn lời Tư lệnh lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia Hadi Tjahjanto cho hay, tàu ngầm biến mất ở vùng biển cách đảo Bali khoảng 95 km vào lúc 4h30 giờ sáng 21/4 (giờ địa phương). “Ngay khi tàu ngầm được cho phép lặn, liên lạc đã ngay lập tức bị đứt đoạn”, ông Tjahjanto nói.

Ngày 22/4, Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết, hiện quân đội vẫn chưa thể xác nhận tình trạng của 53 thành viên thủy thủ đoàn có mặt trên tàu ngầm KRI Nanggala 402.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, tàu ngầm KRI Nanggala 402 được cho là đang ở độ sâu 600-700 m, trong khi theo thiết kế con tàu chỉ có thể lặn tối đa 500 m.

Ông Julius cho rằng, đây là “mối nguy hiểm thực sự”. Tuy nhiên, theo tính toán, dự trữ oxy trên tàu ngầm hiện vẫn đủ để đáp ứng cho nhu cầu của thủy thủ đoàn. Cùng với đó, nỗ lực tìm kiếm trên không đã phát hiện vết dầu loang gần nơi tàu ngầm chìm xuống. Theo Hải quân Indonesia, tín hiệu này có thể do thùng nhiên liệu của tàu ngầm bị hư hại hoặc cũng có thể là tín hiệu từ thủy thủ đoàn.

Hiện quá trình tìm kiếm vẫn đang được đẩy nhanh tại khu vực phát hiện các vệt dầu tràn với việc huy động 2 tàu hải quân mang thiết bị Sonar, lực lượng của Quân đội và Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas).

Ngoài dấu hiệu tràn dầu, một chuyển động dưới nước cũng được phát hiện tại khu vực tàu ngầm mất tích.

“Tàu hải quân KRI REM 331 cũng phát hiện chuyển động khả nghi với tốc độ 2,5 hải lý/giờ dưới biển. Nhưng sau đó, tín hiệu này biến mất nên không có đủ dữ liệu để kết luận đó là tín hiệu từ tàu ngầm mất tích”, Thiếu tướng Achmad Riad, Người phát ngôn quân đội Indonesia cho biết.

Bộ Quốc phòng Indonesia đã điều 5 tàu chiến và trực thăng tới vùng biển ngoài khơi đảo Bali để tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Tàu thăm dò KRI Rigel, tàu hộ vệ Fatahillah, tàu săn ngầm Teuku Umar, tàu quét mìn Rengat được huy động để tham gia nỗ lực tìm kiếm.

Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết, đội tìm kiếm đang tập trung vào các khu vực phát hiện vệt dầu loang, nhưng hiện chưa thể xác định được vị trí chính xác của con tàu.

“Sẽ có khoảng 400 người được điều động tìm kiếm”, ông Widjojono nói và cho biết 6 tàu chiến và 1 trực thăng đã được triển khai để tìm kiếm con tàu.

Nhiều khả năng xấu

Đánh giá về khả năng tìm kiếm thủy thủ đoàn của tàu ngầm KRI Nanggala 402, cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Ryan Ramsey cảnh báo, có thể không bao giờ tìm thấy các thủy thủ đoàn bởi vùng biển mà họ mất tích có độ sâu hàng nghìn mét.

“Nếu điều gì đó xảy ra, việc Nanggala-402 được tìm thấy là điều gần như bất khả thi, cựu quan chức Hải quân Indonesia nhận định với The Sun.

“Bali là một đảo núi lửa bao quanh là những vùng nước sâu, thậm chí lên tới 1.590 mét. Điều này đã cản trở khả năng tìm kiếm những người sống sót. Nếu có vấn đề xảy ra trong cuộc tập trận, lẽ ra họ đã cho con tàu nổi lên. Tuy nhiên, việc họ không thể điều khiển để con tàu nổi lên chứng tỏ đã có điều gì đó rất dữ dội xảy ra cùng lúc”.

Cùng với đó, Đô đốc Julius Widjojono nhận định với truyền thông địa phương rằng, tàu ngầm này có thể đã ở trong một rãnh biển “có độ sâu từ 600 - 700 mét”.

Tàu ngầm KRI Nanggala không có cửa thoát hiểm nên cách duy nhất mà những người sống sót có thể làm là mặc “bộ đồ thoát hiểm” và thoát ra qua tháp chỉ huy.

Những bộ trang phục như vậy giúp người mặc có thể sống sót khoảng 24h trên mặt nước nhưng chúng chỉ có hiệu quả trong vùng biển có độ sâu khoảng 200 mét.

“Khả năng được cứu là rất thấp do thiết kế của tàu ngầm”, ông Ramsey cho hay.

“Giúp đỡ bằng mọi cách có thể”

Trước sự cố nghiêm trọng trên, Bộ Quốc phòng Indonesia ngày 22/4 cho biết, giới chức nước này cũng đã phát tín hiệu khẩn cấp tới Văn phòng Liên lạc cứu hộ tàu ngầm quốc tế (ISMERLO). Một số nước như Singapore, Australia, Ấn Độ đã phản hồi và cam kết sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích.

Ngày 22/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, các lực lượng quốc phòng nước này sẽ “giúp đỡ bằng mọi cách có thể”.

“Chúng tôi vận hành các tàu ngầm rất khác với tàu ngầm (bị mất tích), nhưng Lực lượng Phòng vệ Australia và Tổ chức Phòng vệ Australia sẽ làm việc với các chiến dịch phòng vệ của Indonesia để xác định những gì chúng tôi có thể hỗ trợ”, Ngoại trưởng Payne cho biết.

Trong khi đó, Singapore đã điều tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue tới hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm của Indonesia. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho biết, tàu MV Swift Rescue đã được điều động “nhanh nhất có thể để sẵn sàng” vào cuộc sau khi người đứng đầu hải quân Singapore nhận được yêu cầu hỗ trợ từ người đồng cấp Indonesia. Tàu của Singapore dự kiến tới khu vực tìm kiếm vào ngày 24/4.

Tàu MV Swift Rescue, có tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ và có thể hoạt động trên biển liên tục trong 28 ngày, được trang bị tàu lặn sâu DSAR 6. DSAR 6 có thể lao sâu xuống biển, kết nối với tàu ngầm gặp nạn, giải cứu những người mắc kẹt bên trong và đưa họ trở lại tàu.

Malaysia cũng điều tàu cứu hộ MV Mega Bakti hỗ trợ Indonesia. Tàu này dự kiến tới khu vực tìm kiếm vào ngày 25/4. Cùng với đó, nhiều nước cũng đã đề nghị giúp đỡ Indonesia, trong đó có Mỹ, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết một cuộc họp báo sẽ được tổ chức trong ngày 22/4 tại Bali để cung cấp thông tin về cuộc tìm kiếm tàu ngầm mất tích.

KRI Nanggala 402 là tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel - điện được đóng tại Đức vào năm 1977 và được Indonesia biên chế từ năm 1981. Tàu đã được nâng cấp vài lần trong các năm 1989 ở Đức và 2012 ở Hàn Quốc. Indonesia trước đây từng vận hành một hạm đội gồm 12 tàu ngầm mua từ Liên Xô để tuần tra vùng biển gồm các quần đảo rộng lớn của mình. Tuy nhiên, hiện Indonesia chỉ có một hạm đội gồm 5 tàu ngầm, trong đó có 2 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo và 3 tàu mới hơn của Hàn Quốc. KRI Nanggala 402 hiện là 1 trong 5 tàu ngầm vẫn đang phục vụ trong hải quân Indonesia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàu ngầm KRI 402 mất tích