Chiều 26/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp công bố kết quả thẩm định của Tổ thẩm định thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đối với 18 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng. Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Châu cho rằng bà con ngư dân có thể khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương ngay vì những gì họ gây ra, lại lẩn tránh trách nhiệm; đồng thời yêu cầu Công an tỉnh lập hồ sơ điều tra công ty này.
Ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Quá nhiều sai phạm
Thông tin tại buổi họp, từ ngày 6/6 đến ngày 10/6/2017, Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67 tại Bình Định đã kiểm tra 17/18 tàu cá có đơn kiến nghị của chủ tàu để xác định rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu và các trang thiết bị hàng hải, khai thác đối với 18 tàu cá có đơn yêu cầu, kiến nghị của ngư dân. (1 tàu của ông Lê Hoài Thanh- xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, số tàu BĐ-99909-TS đang đi khai thác tại ngư trường phía Nam nên chưa kiểm tra được)
Theo kết quả thẩm định được công bố của Tổ thẩm định, căn cứ theo hồ sơ, tài liệu (bản photocoppy) do các ngân hàng thương mại mà các ngư dân đã ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu cung cấp, bao gồm: Chứng thư thẩm định giá, nghiệm thu khối lương, biên bản xác nhận khối lượng, chứng nhận kiểm tra, kết quả thí nghiệm thép của 17 tàu) nhận thấy: Có 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc nhưng theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa Công ty với 5 chủ tàu là thép Hàn Quốc. 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc là đúng theo hợp đồng.
Kết quả kiểm tra mẫu thép: có 8 tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT sửa đổi lần 2 năm 2014. Trong đó Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có 3/5 tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A và Công ty TNHH MTV Nam Triệu có 5/12 tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A.
Về máy tàu, báo cáo kết quả thẩm định cho biết, có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA (5 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 4 máy S6R-MPTA công suất 811 HP), các chi tiết như bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt. Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định.
Có 3 máy chính tàu hiệu DOOSAN 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Trong đó, máy chính lắp trên tàu BĐ-99245-TS (chủ tàu là ông Trần Đình Sơn) bị hư hỏng nặng.
Ngoài ra, qua kiểm tra hệ thống đèn cao áp, Tổ thẩm định đã phát hiện một số tăng-phô cho đèn cao áp bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các tụ kích. Mẫu vật thu được kiểm tra là loại tụ CBB65 có xuất xứ từ Trung Quốc và bóng đèn cao áp 1.000 W không đúng như hợp đồng đã ký kết... Hệ thống đèn cao áp hoạt động không ổn định, thường xuyên bị cháy đèn, một số tăng-phô bị nóng chảy do giải nhiệt kém.
Bên cạnh đó, một số máy phụ hoạt động không ổn định, hư hỏng; trang thiết bị hằng hải một số máy bị hỏng, chất lượng nhận tín hiệu và độ phân giải màn hình rất thấp; 14/17 hầm bảo quản của các tàu bị đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, có hiện tượng rỉ sét và nhiều bộ phận khác của các tàu có vấn đề.
Quang cảnh buổi làm việc.
Ông Trần Huy Giáp- Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết: Nghị định 67 của chính phủ là chủ trương đúng đắn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, của Nhà nước đối với ngư dân. Tuy nhiên, việc nhiều tàu vỏ thép mới đi vào vận hành còn đang trong giai đoạn bảo hành đã gặp sự cố trục trặc, hư hỏng. Do đó, bên nào thực hiện không đúng hợp đồng thì bên đó chịu trách nhiệm. Trước mắt, nên thực hiện sửa chữa tàu vỏ thép không đảm bảo chất lượng một cách nhanh nhất, khắc phục một cách toàn diện, khắc phục một cách triệt để, để bà con ngư dân sớm có phương tiện đảm bảo để vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Còn ý kiến của Hội Luật gia, đầu tư theo Nghị định 67 là một quá trình chuẩn bị rất sâu xa của Đảng và Nhà nước, với nguồn kinh phí lớn. Các chủ đóng tàu, các cơ sở đóng tàu ngoài trách nhiệm phải thay thế các bộ phận hư hỏng cho ngư dân, làm chưa đạt thì phải làm cho đạt hoặc bồi thường, ngoài ra phải bồi thường trong thời gian ngư dân trả nợ ngân hàng (ngư dân không có công ăn việc làm cũng phải đền bù). Nếu chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép làm không được thì 3.200 km bờ biển cũng không thể vực dậy được.
Kiên quyết xử lý
Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết: Sáng ngày 26/6, Công ty Nam Triệu đã có văn bản gửi Sở báo cáo với UBND tỉnh là công ty đã chuẩn bị 11 máy mới của hãng Mitsubishi, đề nghị Sở NNPTNT làm trung gian để Công ty thay mới cho các ngư dân. Theo ông Hổ, khi thay máy mới cho các ngư dân phải có đơn vị giám sát, cũng như giám sát toàn bộ quá trình sửa chữa tàu. Bởi tuy rằng Sở NNPTNT có trách nhiệm nhưng từng phần thì phải có đơn vị chuyên ngành.
Ví dụ, vỏ tàu thì ở Công ty Nam Triệu có 3 tàu không đạt chất lượng nên khi kéo lên bờ thẩm tra vỏ thép thì phải có bộ phận thẩm định để chắc chắn chất lượng vỏ thép đảm bảo, để không phải làm đi làm lại. Cùng với đó cần rà soát và có báo cáo cụ thể những thiệt hại của chủ tàu. Kinh phí này yêu cầu bên phía đóng tàu phải bồi thường cho ngư dân.
Sở NNPTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh đề nghị các ngân hàng giãn nợ cho ngư dân. “Hiện có 5 chủ tàu đã kéo tàu lên để tự sửa chữa mà không báo cáo với chính quyền và Sở NNPTNT. Các chủ tàu này nếu gặp thêm sự cố nào thì phải tự chịu trách nhiệm”- ông Hổ nói.
Những chiếc tàu vỏ thép mới đóng của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, phải nằm bờ.
Kết luận buổi làm việc, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói: Tôi đề nghị tất cả các sở ngành, UBND các huyện tạo điều kiện tốt nhất để cho ngư dân có tàu bị hư hỏng sớm để ra khơi đánh bắt cá trong thời gian tới. Đối với 2 công ty đóng tàu: tỉnh và các sở ngành thống nhất yêu cầu tập trung thời gian ngắn nhất để tàu hoàn chỉnh đảm bảo chất lượng.
Sau cuộc họp này, yêu cầu 2 Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương ngồi lại cùng ngư dân và chủ tàu, có Sở NNPTNT, thống kê từng tàu xem hư hỏng thiết bị gì theo nguyên nhân chủ quan, khách quan để ghi vào kết luận. Hai bên lập biên bản sửa chữa gấp trong thời gian sớm, cố găng hoàn thành trong tháng 7 tới.
Ông Châu đề nghị, trong ngày 27-6, các bên phải lập biên bản và tổ chức sửa chữa và thay mới thiết bị trên tàu. Về quan điểm là hợp đồng sửa chữa yêu cầu như mới 100%, đóng mới từ máy chính, máy phụ, máy dò… tất cả chi tiết thân tàu là mới hoàn toàn cho người dân. Về việc sửa chữa thân tàu và vỏ tàu: vỏ tàu nếu trước đây không đúng chất lượng chủng loại thép thì yêu cầu tháo ra đánh rỉ và sau đó sơn đúng quy trình.
“Tôi không đồng ý sửa chữa sơ bộ. Về sơn, thép không đúng chất lượng phải cào ra, sơn lại đúng quy trình. Thép không đúng chất lượng, hàm lượng mangan thấp không đảm bảo chống nước mặn bào mòn, rỉ sét thì kiên quyết tháo ra thay lại”- ông Châu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Châu, các thiết bị phụ, thiết bị thân tàu, những vấn đề không phù hợp phục vụ nghề cá tháo ra, thay thế bằng thiết bị chuyên dùng cho nghề cá. Đề nghị ngân hàng nhà nước Việt Nam đề xuất UBND tỉnh trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xem xét hỗ trợ giãn nợ từ 1 năm đến 2 hoặc 3 năm đối với chủ tàu.
Đến thời điểm hiện nay, Công ty Đại Nguyên Dương không có sự hợp tác với Sở NNPTNT, ông Châu đề nghị Chủ tịch UBND các huyện vận động ngư dân khởi kiện công ty này ngay. Đồng thời yêu cầu Công an tỉnh lập hồ sơ điều tra Công ty Đại Nguyên Dương gây hậu quả lại có ý định lẩn tránh.