Mặc dù đã cuối tháng 4, ở nhiều vùng Tây Nguyên đã xuất hiện mưa cục bộ, tuy nhiên lượng mưa chưa đủ hạ nhiệt, cung cấp nước tưới cho hàng ngàn héc ta cây trồng cũng như nước sinh hoạt của người dân. Không chỉ cà phê khô thành củi, người buồn vì thiếu nước mà nắng hạn cũng làm cho hàng trăm con trâu, bò, nhiều ao hồ sông suối cạn trơ đáy làm cá nuôi chết khiến cho người dân thiệt đơn thiệt kép.
Đàn bò của người dân vùng biên Ea Súp-Đắk Lắk tìm thức ăn trong nắng hạn.
Huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk được xem như chảo lửa của hạn hán, khi mà nhiều tháng nay đồng khô cỏ cháy, lượng thức ăn, nước uống thiếu hụt trầm trọng. Đàn gia súc, gia cầm của hàng ngàn hộ dân nơi đây luôn nằm trong báo động bị suy kiệt và lăn ra chết vì khát bất cứ lúc nào. Theo thống kê từ UBND huyện Ea Súp, tính đến nay trên địa bàn huyện đã có gần 200 con trâu, bò và hơn 100 con gia cầm chết vì thiếu nước uống, thức ăn. Hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là xã biên giới Ia Rvê và Ia Lốp.
Đã nhiều năm làm nghề chăn nuôi bò, nhưng chưa bao giờ gia đình ông Phạm Bảo ở thôn 13 xã Ia Rvê lại chịu tổn thất nặng nề về kinh tế như năm nay. Ông Bảo buồn rầu nói, gia đình ông nuôi được hơn 150 con bò, đến giờ đã có 33 con chết, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Cũng theo ông Bảo, nếu như các năm trước theo tính toán của ông thì chỉ cần mua rơm rạ và dự trữ nguồn nước đến đầu tháng 4 là bắt đầu có mưa, khi đó, cây cối mọc lên, nước dồi dào thì đàn bò lại có chỗ để chăn thả thoải mái. Vậy mà năm nay, mưa không có một giọt, nắng đổ lửa cả ngày khiến cho cỏ chết khô, ao hồ, sông suối cạn trơ đáy không còn giọt nước. Do nắng nóng, cộng với thiếu thức ăn nước uống, thiếu dinh dưỡng nên đàn bò của ông suy kiệt sức lực. Nhiều con bò cái mới sinh con ra không đủ sữa cho bê con bú nên bê con chết non. Hiện đàn bò của gia đình ông có 33 con bị chết do nắng nóng trong đó chủ yếu là bê con, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Giờ mong ước lớn nhất của ông Bảo trời sớm có mưa.
Còn gia đình bà Ngân Thị Tình ở thôn Dự, xã Ia Lốp có đàn bò hàng chục con đang ngày càng gầy còm vì thiếu thức ăn và nước uống. Hiện đã có 3 con bò mẹ chết vì khát và thiếu thức ăn, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Trong những ngày qua, nghe các xã lân cận đang thu hoạch lúa là gia đình thuê xe chạy khắp nơi mua rơm rạ về với mong muốn có đủ thức ăn cho đàn bò gắng gượng vượt qua nắng hạn năm nay. Nếu như những năm trước, một xe rơm người dân chỉ mua giá khoảng 1 triệu đồng. Vậy mà năm nay, một xe cày chở rơm gia đình chị phải mua với giá 1,5 triệu đồng; còn một xe tải rơm có giá 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Bà Tình chia sẻ: “Dù rơm có đắt vậy chứ đắt nữa chúng tôi cũng phải cắn răng mà mua, chứ giờ cả gia sản trông chờ vào đàn bò. Nếu không có thức ăn, chúng lăn ra chết thì coi như chúng tôi trắng tay và lâm vào nợ nần”.
Ông Nguyễn Đình Toản-Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Trước thực trạng trên, chúng tôi đã tuyên truyền người dân cần tăng cường dự trữ thức ăn nước uống cho đàn trâu, bò. Cùng với đó cử cán bộ xuống hỗ trợ người dân điều trị cho những con trâu, bò đang bị suy dinh dưỡng. Cũng theo ông Toản thì lý do hai xã Ia Lốp và Ea Rvê người dân bị thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là do đến nay hai xã này hầu như chưa có công trình thủy lợi, hồ đập lớn nào, diện tích đất nông nghiệp của người dân chủ yếu sản xuất được một vụ vào mùa mưa nên nguồn thức ăn cây cỏ, rơm rạ dự trữ cho gia súc không có”.
Để bảo vệ đàn gia súc của người dân, mới đây UBND huyện đã có cuộc họp và thống nhất phương án sẽ vận động bà con di chuyển đàn gia súc đến những vùng hồ, suối còn nước, có cây cỏ để chăn thả, bảo vệ đàn gia súc trên địa bàn. Đối với những hộ có trâu, bò bị chết do hạn hán, huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí giúp các gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 42.400 ha cây trồng bị khô hạn làm giảm năng suất từ 30-70%, trong đó diện tích mất trắng là 1.683 ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 25.136 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tăng 11.837 hộ so với cùng kỳ năm ngoái và tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên địa bàn tất cả các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh này lên tới 1.312 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiệt độ lên cao, nguồn nước tụt giảm, nồng độ độc tố cao cộng với môi trường sống bị thu hẹp đã khiến cho hàng chục tấn cá nuôi thương phẩm của nhiều hộ dân thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc bị chết hàng loạt. Hiện ước tính gần 20 tấn cá của hơn 10 hộ dân trong tổ hợp tác nuôi cá xóm 6, thôn Ánh Mai 3, bị chết gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ở tổ hợp tác nuôi cá xóm 6, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng là hộ đầu tư nuôi cá nhiều nhất, với 3 ao có tổng diện tích khoảng 12.000m2. Trong lứa cá này, gia đình ông đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện tại, mới có 1 ao đến kỳ thu hoạch và ông đã xuất bán được khoảng 10 tấn cá các loại, thu được khoảng 350 triệu đồng. Riêng, cá trong 2 ao còn lại mới khoảng 8 tháng tuổi và ước tính tổng sản lượng đạt gần 30 tấn. Thế mà từ ngày 15-4, đến chiều ngày 17-4, toàn bộ hơn 8 tấn cá rô phi trong ao của gia đình ông đã chết nổi trắng cả ao.Mặc dù khi phát hiện có một số cá chết ông đã tích cực bơm nước cứu vãn ao cá, nhưng vẫn không tránh khỏi hiện tượng cá chết hàng loạt. Theo ông Hoàng Văn Liết, Tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi cá xóm 6 cho biết: “Hiện tượng cá chết đồng loạt bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 3. Nhiều khả năng do nắng hạn kéo dài. Đến thời điểm này, cá của tất cả các hộ trong tổ hợp tác đều đã bị chết và ước tính thiệt hại đã lên đến hơn 1 tỷ đồng. Hiện, tình trạng cá bị chết vẫn chưa dừng lại khiến bà con rất hoang mang, lo lắng”.