Tây Nguyên oằn mình chống hạn

Tuấn Anh 18/02/2016 10:25

Tây Nguyên mới bước vào đầu mùa khô nhưng các hồ đập thủy lợi ở nhiều nơi đã cạn trơ đáy khiến nguồn nước phục vụ sản xuất thiếu hụt trầm trọng. Ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông người dân bỏ hàng trăm triệu đồng tập trung múc ao hồ, khoan giếng… nhưng vẫn không có đủ nước. Hiện hàng ngàn hộ nông dân đang hết sức lo lắng trước nguy cơ mất mùa.

Tây Nguyên oằn mình chống hạn

Hồ Đắk Ken (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) khô cạn đáy.

Giải cứu cà phê

Mặc dù đang trong những ngày Tết nhưng nhiều người dân ở Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, Đắk Nông ai nấy đều “đứng ngồi không yên” vì rẫy cà phê của gia đình mình đang héo khô vì không có nước tưới. Từ ngày mồng 3 Tết, các hộ dân đã tranh thủ đưa máy bơm ra hồ để cứu vườn cà phê. Anh Đỗ Văn Quýnh, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song cho biết: Mặc dù rẫy cà phê của gia đình tôi ở gần hồ thủy lợi, nhưng 3 năm nay do nguồn nước thiếu hụt nên năm nào vườn cây gia đình cũng đối diện với hạn hán, khiến cho năng suất giảm sút nghiêm trọng. Năm nay, do lượng mưa ít, hồ đập không đủ nước, ngày mồng 3 Tết, tôi và nhiều gia đình đang ăn Tết cũng phải tranh thủ đưa máy móc bơm nước tưới cho vườn cà phê. Thế nhưng đang tưới đợt 2 chưa được nửa vườn cây thì nước trong hồ đã cạn kiệt. Nếu trời không mưa sớm vụ cà phê này sẽ mất trắng.

Không chỉ ở huyện Đắk Song mà nhiều địa phương khác tình hình thiếu nước sản xuất cũng diễn ra trầm trọng. Tại huyện Đắk Mil, hơn một nửa số hồ thủy lợi đã nằm dưới mực nước chết, nhiều hồ đã cạn trơ đáy từ lâu. Hồ Đác Ken tại xã Đác Lao có dung tích khoảng 1,5 triệu m3, phục vụ nưới tưới cho gần 2.000ha cà-phê, đến thời điểm này rất nhiều hộ dân chưa tưới xong đợt một hồ đã cạn khô.

Để kịp cứu vườn cà phê khoảng 2ha, anh Bang Văn Trà, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông đã thuê người khoan hai lần giếng với chi phí gần 60 triệu đồng, nhưng giếng vẫn không có nước. Hiện vườn cà phê của gia đình anh đã chuyển sang vàng úa và rụng lá. Trước tình hình đó, anh Trà phải đi mua nước ở những hồ cá nhân với giá 200.000đ/1giờ bơm tưới với hi vọng chỉ mong có nước để cứu được vườn cây, còn việc tính toán đầu tư lỗ, lãi không còn quan tâm nữa. Vì vườn cây có sống sót thì mới nuôi hi vọng vào các vụ mùa tiếp theo. Anh Trà mong muốn, chính quyền địa phương sớm triển khai bơm nước trung chuyển từ Hồ Tây vào để cứu vườn cây đang khát của cho nhiều gia đình nơi đây.

Tây Nguyên oằn mình chống hạn - 1

Một số diện tích cà phê của người dân tỉnh Đắk Lắk
đã bắt đầu khô héo và chết do thiếu nước tưới.

Thiệt hại hàng tỷ đồng

Ông Đỗ Ngọc Duyên - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết: Hiện nay, về cơ bản cây lúa nước, cây hoa màu ngắn ngày chưa chịu ảnh hưởng của khô hạn; còn đối với cây công nghiệp ngắn ngày, cây cà phê thì nhiều diện tích đã rơi vào tình trạng khô hạn nặng. Sở đã chỉ đạo các huyện tập trung chống hạn, bơm nước kịp thời để bảo đảm sản xuất; nếu khi nguồn nước cạn kiệt phải ưu tiên nước tưới cho diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch, khi không còn nước thì phải chấp nhận mất trắng nếu trời không mưa.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, theo tình hình dự báo, nhiều diện tích cây trồng của người dân sẽ chịu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán. Cụ thể, trong năm 2015, do diễn biến thời tiết phức tạp mưa ít nắng nhiều, lượng mưa tại các vùng trên địa bàn tỉnh này rất thấp, chỉ đạt khoảng 83% so với lượng mưa cùng kỳ trung bình nhiều năm nên hiện nay nguồn nước ở nhiều hồ chứa, sông suối vẫn còn rất thấp. Theo ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, dự kiến trong vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có 25 hồ thiếu nước ngay từ đầu vụ, 143 hồ sẽ thiếu nước về cuối vụ với tổng diện tích lúa dự kiến sẽ phải cắt giảm tưới là 1.092 ha, diện tích cần chống hạn về cuối vụ lên đến 10.649 ha, trong đó 4.767 ha lúa nước, 5.746 ha cà phê và 135 ha hoa màu…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk trong năm 2015, tình hình nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã khiến cho 61.446 ha bị hạn hán (gồm 11.811 ha lúa, 457 ha ngô, 47.835 ha cà phê và một số cây trồng khác), trong đó diện tích cây trồng bị mất trắng là 4.364 ha (3.260 ha lúa nước, 274 ha ngô, cà phê 655 ha và một số cây trồng khác) trong đó có nhiều diện tích sản xuất do người dân không tuân theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra là 2.036 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Đông -Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, lượng mưa bình quân trên toàn tỉnh chỉ đạt 70% nên nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh không tích đủ nước. Trước tình hình này, Sở khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích sản xuất ngoài quy hoạch, phải tích cực chuyển đổi những diện tích trồng cây lương thực, hoa màu bị hạn năm trước sang trồng cỏ thức ăn cho gia súc. Cùng với đó, nông dân cần sử dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, không nên lãng phí và phải nâng cao công tác phòng trừ dịch bệnh cho các loại cây trồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên oằn mình chống hạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO