Đến ngày 9/8, mưa ngừng rơi, lũ trên các sông Tây Nguyên đang rút, nhưng hàng nghìn ngôi nhà vẫn bị ngập chìm trong nước. Nhiều tuyến giao thông vẫn bị gián đoạn do sạt lở. Nhiều khu dân cư vẫn bị cô lập. Khó khăn chồng chất khó khăn.
*Mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên làm 8 người chết
Các tuyến đường ở Phú Quốc đang ngập nặng và nước chảy xiết. Ảnh: Vietnamnet.
Thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa và lũ kèm sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm chết 8 người (tỉnh Đắk Nông: 3 người, Kon Tum: 2 người, Gia Lai: 1 người, Đắk Lắk: 1 người, Lâm Đồng: 1 người).
Tổng hợp tình hình cho tới chiều 9/8, tại Đắk Lắk, trên 800 ngôi nhà bị ngập nước, giao thông bị tắc nghẽn trên nhiều tuyến đường. Mưa lớn đã khiến lũ trên sông Srêpốk đã đạt đỉnh. Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn cùng với thủy điện xả lũ khiến các xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na (Buôn Đôn) bị thiệt hại nặng. Hơn 145 nhà dân ngập lụt, 362 ha hoa màu bị nước nhấn chìm, hơn 1.500 gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Còn tại huyện Ea Súp, mưa lớn cũng làm 30.000 hộ dân bị cô lập do các tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt nhiều đoạn. 6.010 ha cây trồng và 585 ngôi nhà chìm trong biển nước, gần 1.400 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều tuyến đường hư hỏng. Thiệt hại ước tính ban đầu là hơn 700 tỷ đồng.
Tại Đắk Nông, mưa lớn và ngập lụt khiến hàng ngàn hecta hoa màu, cà phê, tiêu của người dân các địa phương tỉnh Đắk Nông bị ngập úng.
Tính đến thời điểm này, huyện Đắk R’Lấp là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của tỉnh. Tại xã Quảng Tín, ngày 9/8 nước lũ vẫn làm ngập nhiều tuyến đường liên thôn, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Bà con cho biết, so với mọi năm, thời tiết năm nay mưa ít hơn nhưng mưa lớn và kéo dài thì lâu rồi chưa thấy. Đây là lần đầu tiên ở xã Quảng Tín (huyện Đắk R’Lâp) nước dâng cao và ngập lụt như thế này.
Theo ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp, huyện có 3 xã là Quảng Tín, Đắk Ru và xã Đắk Sin bị ảnh hưởng nặng do mưa kéo dài. Ngoài những ngôi nhà còn bị cô lập ở xã Quảng Tín thì hơn 40 ngôi nhà khác cũng bị nước ngập. Ngoài ra, hơn 400ha cà phê bị ngập sâu cùng rất nhiều đồ dụng và gia súc, gia cầm của người dân bị cuốn trôi hoặc bị chết do ngạt nước. Huyện Krông Nô, mưa lớn đã làm sạt lở hơn 3km bờ sông Krông Nô thuộc 2 xã là Nâm N’Đir và xã Đức Xuyên, cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu.
Ngày 9/8, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, mực nước hồ thủy điện Đắk Ka (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp) đã hạ xuống 2,5m và đạt ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, do sự cố van xả đáy vẫn chưa thể khắc phục, nên việc xả nước vẫn phải thực hiện bằng cách xả qua đường ống áp lực. Nếu trong những ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa thì có thể mức độ nguy hiểm lại tăng lên. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương tập trung túc trực 24/24 để xử lý các sự cố phát sinh.
Trước đó, ông Nguyễn Bốn – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo di dời hàng ngàn hộ dân sống gần thuỷ điện Đắk Kar (huyện Đắk R’Lấp) do nguy cơ vỡ đập.
Người dân bị mắc kẹt ở xã Lát (huyện Lạc Dương,Lâm Đồng) đu dây qua dòng nước lũ nhờ sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ. Ảnh: TTXVN.
Giải cứu thành công 41 người
Thống kê riêng tại tỉnh Lâm Đồng của cơ quan chức năng, mưa kèm bão lũ lớn những ngày qua đã làm khoảng 1.400 căn nhà bị ngập nước, tốc mái, hư hỏng; khoảng 60 căn hư hỏng hoàn toàn; trên 12.000ha hoa màu, lúa, cà phê, sầu riêng, dâu tằm của người dân bị ngập, bật gốc, gãy đổ; trên 3.000m2 nhà kính trồng rau, hoa tại TP Đà Lạt bị tốc mái… ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Do mưa lớn liên tục diễn ra nhiều ngày, nên sáng 9/8, đèo Bảo Lộc bị sạt lở nhiều điểm, đất đá trên cao đổ xuống lấp đường đi khiến 1 xe khách loại 50 chỗ và xe con 7 chỗ bị rơi xuống vực. Tình trạng kẹt xe 2 chiều kéo dài hàng chục km suốt từ đêm 8 đến ngày 9/8 vẫn chưa thông xe mặc dù lực lượng CSGT đã rất nỗ lực.
Trước đó, tại huyện Lạc Dương, mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ khiến suối Đạ Nghịt (thôn Đạ Nghịt, xã Lát) dâng cao làm 41 người bị cô lập (trong đó có cả trẻ em và phụ nữ). Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào xã Lát để kịp thời giải cứu dân trong tình trạng nước lũ đổ về ngày càng lớn và dâng cao. Để tiếp cận những người mắc kẹt, lực lượng cảnh sát phải bắc dây cáp giăng qua dòng nước dữ, cố định ở hai đầu, thắt dây an toàn để từng người đu qua dòng nước, sang bờ an toàn.
Ảnh: VOV.
Hiện tượng thời tiết hiếm gặp
Chiều 9/8, đánh giá về đợt mưa, lũ vừa diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên, theo đại diện Tổng cục Khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ đêm 6/8, một vùng áp thấp trên dải hội tụ nhiệt đới, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiết đới, gió mùa Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh thêm nên tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa to. Bên cạnh đó, tháng 7, 8 chính là cao điểm mùa mưa ở Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Do đó việc mưa lớn diện rộng xuất hiện ở hai khu vực này khá phù hợp với quy luật khí hậu. Tuy nhiên việc xảy ra cường độ mưa lớn như trong những ngày vừa qua ở nam Tây Nguyên là khá hiếm gặp.
Theo ông Đặng Văn Chiền - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, ngoài nguyên nhân mưa lớn thì việc rừng bị tàn phá, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến thiệt hại nặng nề như vậy. Ông Chiền dẫn chứng suối Ea Tam có vai trò rất lớn trong việc thoát lũ cho TP Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, lòng suối đã bị người dân xâm chiếm để xây dựng nhà cửa, đào ao hồ. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây san sát ven các con suối nên khi mưa lớn, nước không kịp thoát ra suối gây ngập nhiều nơi.
Cùng quan điểm, theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), trước đây Tây Nguyên chưa thấy hiện tượng lũ ống, lũ quét nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện. Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu do phát triển kinh tế - xã hội và phân bố dân cư làm phá hủy hệ thống giữ gìn tự nhiên. Khi dân cư tập trung rất nhiều vào các khu vực ven sông, ven suối để ở, kéo theo đó là xây cơ sở hạ tầng, đường sá đã gây nên những hệ lụy tất yếu, trong đó chủ yếu là những vụ sạt lở nghiêm trọng.
*Phú Quốc ngập nặng
Từ đêm 8, sáng 9/8 tại Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp tục có mưa to và kéo dài, gây ngập nặng. Gần 1.000 người là cán bộ, công an, bộ đội, dân quân tự vệ ra đường để giúp người dân. Theo ông Mai Văn Huỳnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao là nguyên nhân gây ngập ở Phú Quốc. Chính quyền đã sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, phân công lực lượng túc trực ở những nơi xung yếu để ứng phó tình huống xấu xảy ra. Tại các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết đều có lực lượng chức năng túc trực hỗ trợ người dân.
*Dự báo trong 2-3 ngày tới ở Tây Nguyên tiếp tục có mưa nhưng cường độ không lớn như những ngày qua. Riêng các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng có mưa rất to (lượng mưa 50-120 mm/24 giờ). Từ ngày 11/8 mưa sẽ giảm dần rồi chấm dứt khi gió mùa Tây Nam đang có xu hướng hoạt động yếu dần.