Hiện nay, mặc dù giá hồ tiêu xuống thấp, chỉ còn 61.000 đến 62.000 đồng/kg nhưng đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… vẫn tiếp tục tự phát mở rộng diện tích cây hồ tiêu.
Nông dân Tây Nguyên vẫn mở rộng diện tích trồng hồ tiêu.
Chỉ riêng trong năm 2017, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã trồng mới thêm trên 16.207 ha; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu trồng mới nhiều nhất với trên 5.500 ha.
Theo nhiều nông dân cho biết, mặc dù giá tiêu hạt đang xuống thấp nhưng lợi nhuận từ trồng tiêu vẫn cao gấp nhiều lần so với một số loại cây công nghiệp dài ngày khác như cà phê, điều… nên đồng bào vẫn chuyển đổi một số diện tích cà phê và cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cây tiêu. Theo đồng bào các dân tộc, hiện nay, bình quân một ha tiêu trồng mới đầu tư từ cây chói (trụ tiêu) làm đất, đào hố, bón phân, giống tiêu, công trồng…cũng lên đến 500 triệu đồng. Sau 3 năm đưa vào thu bói, nếu không may bị bệnh sâu bệnh hại thì nông dân thiệt hại rất lớn.
Gia đình anh Lý Văn Sửu, ở xã vùng sâu Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đã mạnh dạn chuyển hơn 2 ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém sang trồng hồ tiêu. Tuy mới thu bói vụ này (sau 3 năm), nhưng anh Lý Văn Sáu cho rằng, với giá cả hồ tiêu như hiện nay, cộng với công sức, vốn đầu tư cho cây tiêu thấp hơn nhiều lần so với cây cà phê nên anh kỳ vọng phát triển cây hồ tiêu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê. Còn anh Tấn Hoàng cũng ở xã vùng sâu Ea Toh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) chặt bỏ hơn 1 ha cà phê chuyển sang trồng cây tiêu cho rằng, 1 ha cà phê, mỗi niên vụ cho thu hoạch chưa đến 2 tấn cà phê nhân, với giá cả như hiện nay (36.000 đến 37.000 đồng/kg) chỉ thu hơn 72 đến 74 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thì lãi chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, 1 ha tiêu, sau 4 năm đưa vào kinh doanh doanh, với năng suất bình quân 3 tấn/ha, với giá như hiện nay thì sau khi trừ các khoản chi phí cũng còn lãi gần 100 triệu đồng…
Thực tế, hiện nay, nhiều địa phương vùng Tây Nguyên, các hộ dân đã tự chuyển hàng loạt diện tích các loại cây trồng cạn sang trồng cây hồ tiêu nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn không kiểm soát được. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu cũng dẫn đến nhiều hệ lụy cho các địa phương vùng Tây Nguyên, nhất là phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cây trồng, bố trí trồng tiêu ở nhiều vùng đất không thích hợp, sử dụng nhiều giống tiêu không rõ nguồn gốc… nên mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên có hàng ngàn hécta tiêu bị sâu bệnh hại, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm làm thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển diện tích cây hồ tiêu tự phát ngoài tầm kiểm soát như hiện nay ở Tây Nguyên không những dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu làm cho giá hồ tiêu ngày càng giảm mà còn tăng nguy cơ bùng phát sâu bệnh trên cây hồ tiêu gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích tiêu hơn 85.249 ha; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất với trên 42.563 ha, kế đến là tỉnh Đắk Nông. |