Nguyễn Công Thái (1684-1758) người làng Kim Lũ tên nôm là làng Lủ, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ông là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm – Một vị chúa tài ba. Ông có công đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Không chỉ trải nhiều chức quan, làm Tế tửu Quốc tử giám, ông còn là ngoại giao giành lại đất rơi vào tay nhà Thanh. Nhà thờ ông - “Nguyễn tướng công từ” hiện nay chính là ngôi nhà cổ do chúa Trịnh Sâm tặng thầy học ở quê nhà.
Ngôi từ đường thờ Tể tưởng Nguyễn Công Thái.
Dạy chúa, dựng chúa
Đến làng Lủ, vào giữa xóm, du khách có thể ghé thăm nhà thờ tướng công Tham tụng Nguyễn Công Thái. Ông tên hiệu là Thuần Chính, thụy là Trung Mẫn Công, húy là Phấn, tên thường gọi là Nguyễn Công Thể. Ông thuộc đời thứ 6 dòng họ Nguyễn Phúc làng Lủ. Thế hệ họ Nguyễn sau ông đến triều Nguyễn nổi lên những danh nhân lớn như: Phó Bảng Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu), Nguyễn Khắc Hiếu (thi sĩ Tản Đà)…
Theo tấm bia “Thượng thư tể tướng từ đường bi ký” do con trai Nguyễn Công Thái là Hàn lâm viện thị độc Nguyễn Huy Tú soạn, hiện còn tại nhà thờ thì: Bình sinh Nguyễn Công Thái trán cao, mũi thẳng, dưới bàn chân trái có nốt ruồi đen. Nguyễn Công Thái nổi tiếng thông minh, học giỏi, có chí lớn. Năm 1703, ông dự kỳ thi khảo hạch ở trấn đỗ thứ nhất. Sau đó dự kỳ thi hương đỗ đầu (Giải nguyên) đến kỳ thi hội năm Ất Mùi (1715) lại đỗ đầu (Hội nguyên), thi Đông các ông đỗ tam danh ngang với Thám hoa. Về sau, khi đã hiển đạt, ông được triều đình nhà Lê – Trịnh tặng bức đại tự “Tứ trạng nguyên đồng” (ban cho như trạng nguyên). Bức đại tự này hiện vẫn được treo tại nhà thờ ông.
Ngay sau khi đỗ đạt (1715), Nguyễn Công Thái được giao chức Giám sát Ngự sử Hải Dương. Sau đó được giao làm quan xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa), rồi Đốc đồng Nghệ An, Hiến sát Kinh Bắc, Tham chính bát tri lại phiên, Binh phiên, thăng Thụ tự khanh tế tửu.
Năm 1740, khi đang làm Tả thị lang bộ Lại (tương đương Thứ trưởng thường trực Bộ nội vụ), Nguyễn Công Thái mưu sự cùng Nguyễn Quý Cảnh lật đổ Trịnh Giang dựng Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Nguyên do, chúa Trịnh Giang làm việc đại nghịch giết vua Lê Duy Phường, lại hãm hại nhiều đại thần. Suốt ngày sa vào tửu sắc, trọng dụng nhóm hoạn quan Hoàng Công Phụ lũng đoạn triều chính, khiến nhân dân thống khổ, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Sau khi Trịnh Doanh lên ngôi chúa, triều đình tạm yên. Khi luận thưởng công trạng, Nguyễn Công Thái được phong Suy trung dực vận công thần, cùng Nguyễn Quý Cảnh vào phủ làm Tham tụng (Tể tướng). Bấy giờ ông 57 tuổi. Sau lại làm Thượng thư bộ Lễ.
Có công lớn với chúa Trịnh Doanh nên Nguyễn Công Thái được tin cẩn giao dạy thế tử Trịnh Sâm học. Trịnh Sâm trở thành một vị chúa tài năng chính là ở sự rèn cặp của Nguyễn Công Thái. Vì vậy, sau khi được nối ngôi chúa, Trịnh Sâm càng thêm kính trọng thầy.
Đấu tranh đòi cương thổ
Tấm bia “Thượng thư tể tướng từ đường bi ký” tại từ đường Nguyễn Công Thái cho biết: Năm Mậu Thân (Bảo Thái thứ 7 – 1726), Nguyễn Công Thái vâng chỉ đến Tuyên Quang để giải quyết việc nhà Thanh xâm lấn biên giới, lấy được 80 dặm, dựng bia làm cõi (1727).
Tuy bia chỉ ghi ngắn gọn như vậy nhưng sự kiện này được sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) ghi rõ. Sách viết về vùng đất bị nhà Thanh xâm phạm: “Các đèo ải ở Vị Xuyên, Tụ Long… là những nơi chứa góp của cải, nguồn lợi của các đời đều do đó mà sinh ra”. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn (giữa thế kỉ XIX) cũng viết: “núi Tụ Long ở địa phận xa Tụ Long, châu Vị Xuyên. Khoáng sản trong núi có đá nam châm và đồng đỏ, lại có chỗ lẫn cả ngân sa, nên cũng gọi là Xưởng Bạc”.
Triều đình Lê – Trịnh đã cử sứ bộ Nguyễn Công Thái cùng quan Thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận được cử lên miền địa đầu phía Bắc, hội khám cùng các quan chức nhà Thanh, giải quyết việc phân định biên giới. Vấn đề ngoại giao vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo đã được sứ bộ Nguyễn Công Thái vận dụng. Triều đình Đại Việt nhiều lần gửi thư phân biện lên triều đình nhà Thanh. Nhưng Ngạc Nhĩ Thái – Tổng đốc Vân Quý của nhà Thanh theo báo cáo của cấp dưới đã tâu về triều đình là quân Đại Việt xâm lấn phủ Khai Hóa và xin phát binh mã các tỉnh phòng bị biên giới. Nhưng may là công điệp của Đại Việt đã đến trước tờ tâu của Ngạc Nhĩ Thái nên triều đình nhà Thanh đã lệnh cho quan Đô Ngự sử là Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhậm Lan Chi đến tuyên dụ cho lấy sông Đỗ Chú và núi Bạch Mã làm biên giới.
Tuy triều đình nhà Thanh đã nhất trí như vậy, nhưng khi triển khai thì các viên quan thực hiện lại chỉ ra một dòng sông khác, ở mạn phía dưới mỏ Tụ Long, nói rằng đó là sông Đỗ Chú. Mục đích của các viên quan là chiếm thêm 4 sách (tương đương xã) ở Bảo Sơn, và chiếm mỏ đồng. Biết hành động này của quan lại nhà Thanh là gian trá, Nguyễn Công Thái bèn lặn lội đến những nơi lam chướng hiểm trở, đi qua các xưởng bạc, xưởng đồng để tìm sông Đỗ Chú thật, sau đó tranh biện và bẻ lý mãi với quan lại nhà Thanh. Trước lý lẽ sắc sảo và đúng đắn của Nguyễn Công Thái, quan nhà Thanh buộc phải thoả thuận với ta dựng bia đá ở hai bên bờ sông Đỗ Chú làm mốc giới giữa hai nước.
Khi đã đạt được thỏa thuận, Nguyễn Công Thái cho dựng tấm bia chủ quyền bên mạn Nam sông Đỗ Chú. Sử cũ còn chép rằng: “Dựng bia ở nơi giáp giới ngay”.
Một tấm bia đá, với lời văn bia hào hùng, đã được Nguyễn Công Thái cho dựng, nội dung: “Nước An Nam, trấn Tuyên Quang, châu Vị Xuyên, lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 (1728) chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, Tả Thị lang bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”. Bên bờ Bắc thì quan nhà Thanh là Ngô Sĩ Côn, Vương Vô Đảng dựng bia đá.
Từ đó biên giới hai nước được xác lập và ổn định. Điều đó cũng thể hiện được chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo và kiên trì của Nguyễn Công Thái. Nhưng sâu sắc hơn là thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm với vấn đề biên giới quốc gia, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh được triều đình giao phó. Tấm bia đá đã đứng vững chãi, tồn tại gần 300 năm nay trên biên giới phía Bắc đất nước.
Hơn trăm năm sau, vua Tự Đức (1848 - 1883) nhà Nguyễn nhân đọc lại sử cũ về năm 1728, đã cầm bút, viết lời châu phê rằng: “Đạo bầy tôi phải như thế”.
Ngoài dạy chúa, dựng chúa, làm quan trải 40 năm với 5 lần làm Tham Tụng (Tể tướng), Lại Bộ thượng thư (tương đương Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Tế tửu Quốc tử giám, Nguyễn Công Thái còn trực tiếp cầm quân dẹp loạn nhiều nơi, trong đó có những cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, giặc Ngân Già… Đặc biệt, trong một lần dẹp loạn Toàn Cơ ở phía Bắc, ông chỉ đem theo một viên tùy tùng mà thu phục được.
Từ đường đặc biệt
Nguyễn Công Thái làm quan 40 năm, tận tuỵ phục vụ 4 đời vua Lê chúa Trịnh. Dù trong triều hay ngoài nội, ở đâu ông cũng hoàn thành chức phận, lập nhiều chính tích được dân mến chúa yêu. Cuốn phả họ Nguyễn ở làng Kim Lũ do Nguyễn Trọng Hợp biên soạn cho biết vì ông bị nhiều tỵ hiềm nên đổi chức luôn luôn. Xong trước sau, ông đều chứng tỏ được sự ngay thẳng của mình và được cất nhắc.
Làm quan đầu triều nhưng Nguyễn Công Thái một mực xin về hưu. Ông về Kim Lũ sống cùng dân thôn vui cuộc dời bình dị. Đất lộc điền 100 mẫu vua ban, ông cho con cháu và dân làng cày cấy. Thấy thầy Nguyễn Công Thái sống trong cảnh nhà tre nứa tuềnh toàng, chúa Trịnh Sâm muốn làm tặng thày một ngôi nhà ba gian bằng gỗ tốt nhưng mấy lần ngỏ ý đều bị khước từ. Chúa Trịnh Sâm bèn nghĩ, thầy còn chưa có từ đường để thờ tổ tiên nên đề nghị cho dựng ba gian nhà tốt. Ngôi từ đường cũng sẽ là nơi thờ thầy khi trăm tuổi. Thấy trò có hiếu, Nguyễn Công Thái đồng ý.
Ngôi từ đường “Nguyễn tướng công từ” gồm 3 gian, 2 dĩ. Cột, đố vách, dui... đều được bằng gỗ lim. Nguyên liệu chính làm vách là rơm ngâm vôi và đất, cát. Từ năm 1789, ngôi nhà được dòng họ Nguyễn lập làm từ đường. Gian giữa thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái, gian bên phải thờ dòng trưởng và gian trái thờ ngoại tổ. Cùng với hai bức hoành phi, trong ngôi nhà cổ còn một tấm bia đá do người con thứ 7 của tể tướng là Nguyễn Huy Tú - Đốc đồng Bình chương sự Lạng Sơn tạc vào đời vua Lê Chiêu Thống năm thứ 3 (1789).
Trước cửa ngôi nhà cổ 3 gian có phương đình. Đó là phương đình làm thời Nguyễn do tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp - người cháu đời thứ 4 xây dựng.
Về hưu ít lâu thì Nguyễn Công Thái mất ngày 21 tháng 11 năm Mậu Dần (1758) thọ 75 tuổi. Mộ táng tại xứ đồng Sở Sơn (nay thuộc Thanh Liệt, Thanh Trì).
Tri ân danh nhân Nguyễn Công Thái, năm 2010, một con phố của Hà Nội đã mang tên ông.