Ở nhà lầu, dùng hàng ngoại nhưng nhiều năm qua, hàng trăm đứa trẻ ở ngôi làng được mệnh danh giàu nhất Việt Nam vẫn chưa có được một cái Tết trọn vẹn.
Bà Nguyễn Thị Phước ôm đứa cháu trong lòng.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp về làng quê Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đi dọc tuyến đường 22/12, ngắm nhìn những ngôi biệt thự khang trang, bề thế, những chiếc xe hơi ra vào tấp nập, chúng tôi mới thấu hiểu được vì sao người ta vẫn thường gọi Cương Gián là làng giàu nhất Việt Nam.
Những ngày gần Tết, khi mà hầu hết trẻ em khắp mọi miền đất nước háo hức được bố mẹ đưa đi sắm quần áo Tết thì hàng trăm đứa trẻ ở làng Cương Gián lại chất chứa những nỗi niềm riêng. Không phải vì không có áo quần mới, mà những đứa trẻ nơi đây luôn thiếu đi vòng tay yêu thương của bố mẹ trong những ngày Tết lạnh giá.
Vốn nổi tiếng và được biết đến là làng giàu có nhờ xuất khẩu lao động, nhiều cặp vợ chồng ở Cương Gián sau khi cưới thì dắt nhau đi làm ăn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Nhiều nhà, con cái sinh ra được vài tháng là bố mẹ để lại cho ông bà rồi lên đường xa xứ làm ăn.
Những ngôi nhà khang trang ở Cương Gián.
Chính vì thế ở Cương Gián, 5 năm hay 10 năm chưa được đón Tết cùng bố mẹ, gia đình là chuyện không phải hiếm. Và có một thứ luôn thiếu ở đây, đó là nỗi buồn không thể bù đắp được của những đứa trẻ khi những ngày Tết đến, xuân về không có bố mẹ ở bên.
Ngôi ôm đứa cháu nội, bà Nguyễn Thị Phước (60 tuổi, xã Cương Gián) cho biết, gia đình bà có 3 người con trai đều đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cách đây 4 năm, người con trai cả sau khi cưới vợ, sinh con được hơn 6 tháng thì cả hai vợ chồng dắt nhau đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.
“Vợ chồng nó thương con nhưng rồi cũng đành phải nhắm mắt chấp nhận để con lại cho ông bà nuôi rồi lên đường xa xứ làm ăn. Năm nay là năm thứ 3, cả 2 vợ chồng nó phải đón Tết nơi xứ người, còn cháu thì vẫn phải đón Tết với ông bà”, bà Phước nói.
Chính vì thế, để bù đắp cho các con, những ông bố, bà mẹ xa quê thường chuẩn bị chu đáo rất nhiều quà cáp. Các em được chăm lo đầy đủ về vật chất, sắm rất nhiều quà Tết nhưng mơ ước bình dị là được đón Tết cùng bố mẹ thì năm nào cũng thiếu.
Em Nguyễn Văn Nghĩa (10 tuổi) ở với ông Thắng bà Tam (trú thôn Song Hải, xã Cương Gián) từ khi mới 5 tháng tuổi. Đến nay, bố mẹ làm ăn bên Hàn Quốc chưa về thăm em lần nào.
Tâm sự với chúng tôi bà Tam cho biết: “Sau khi sinh cháu Nghĩa được 5 tháng thì bố mẹ cháu nhận giấy bay sang Hàn Quốc. Ngày đi vì con còn quá nhỏ nên mẹ nó khóc suốt mấy ngày liền nhưng rồi cũng đành chấp nhận xa con để làm ăn”.
Bà Tam cho biết, 2 con bà sang Hàn Quốc được một thời gian do công việc không ổn định nên cả hai vợ chồng bỏ ra ngoài làm. Giờ mà về thì sẽ không thể sang lại Hàn Quốc nên đành phải chấp nhận ở lại làm kiếm ít vốn rồi mới về quê.
“Đến nay cũng đã gần 10 năm cháu Nghĩa chưa được đón Tết với bố mẹ. Biết là bố mẹ và cháu đều rất buồn nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cũng đành phải chấp nhận, chứ giờ ở nhà làm gì kiếm ra được tháng mấy chục triệu đồng”, bà Tam nói.
Theo bà Tam, trường hợp giống nhà bà ở Cương Gián thì nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có người đi nước ngoài. Ai có con cái thì gửi lại cho ông bà nuôi, cứ đến tháng là bố mẹ lại gửi tiền về cho bà cháu nên trẻ em nơi đây chẳng thiếu thứ gì ngoại trừ vòng tay chăm sóc của bố mẹ.
“Tết năm nay cũng giống nhiều cái Tết khác, bà cháu không phải vất vả mua sắm bởi đã có bố mẹ lo gửi tiền, gửi quà để có một cái Tết sung túc nhất. Nhưng, lại buồn bởi như nhiều năm qua, chỉ có ông bà và cháu ăn Tết chứ không có bố mẹ”, bà Tam nói.
Cách trở địa lý cộng với có điều kiện nên ở đây, bố mẹ nhà nào cũng sắm cho ông bà, con cái họ điện thoại "xịn", Ipad để tiện nói chuyện. Không về được, ngày Tết hay giao thừa bố mẹ, con cái lại gặp nhau qua những cuộc điện thoại dài qua facebook.
Khi được hỏi có muốn gặp bố mẹ không, em Nghĩa ngây thơ trả lời: "Ngày nào con cũng được bà cho gặp mẹ qua điện thoại rồi nhưng con muốn được bố mẹ đưa đi chơi Tết cơ".