Tết mừng cơm mới của người Phù Lá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng.
Dân tộc Phù Lá (còn có các tên gọi khác như: Xá Phó, Bồ Khô Pạ, Mú Dí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang) ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng giống như đồng bào dân tộc Phù Lá ở các địa phương khác trong cả nước, luôn sống có tính cố kết cộng đồng cao và có truyền thống văn hóa độc đáo. Một trong những nét văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây là Tết cơm mới.
Với người Phù Lá ở Văn Yên, Tết cơm mới là một nghi lễ rất quan trọng để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình, cộng đồng có vụ mùa bội thu. Tết mừng cơm mới của người Phù Lá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng.
Nghi thức đầu tiên trong Tết cơm mới của đồng bào Phù Lá là lên nương cắt lúa, đón hồn lúa về nhà. Sau khi cắt lúa xong, họ sẽ gùi lúa vào xó bếp, lấy 8 bông lúa vừa gặt cheo lên 4 góc gác bếp. Ngày thực hiện lễ chính, gia đình chuẩn bị đồ lễ theo đúng phong tục dân tộc mình gồm xôi, lợn, gà, khoai sọ…Công việc chuẩn bị phải diễn ra âm thầm để tránh mọi người biết nhà mình làm lễ mừng cơm mới. Ngày gia đình ăn Tết cơm mới, toàn bộ thóc, gạo cũ của gia đình đều được đem cất đi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ với ý nghĩa đón hồn lúa mới về. Gia đình chuẩn bị hai mâm cơm và mời thầy mo đến cúng. Một mâm cảm ơn tổ tiên và một mâm cúng Trời.
Theo bà Đặng Thị Thanh, Nghệ nhân dân gian xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên chia sẻ: Hàng năm đến khi lúa chín, khoảng tháng 9-10, mỗi gia đình dòng họ phải tổ chức lễ cơm mới, đem hồn lúa về nhà để lúa được mùa, lợn gà đầy chuồng. Lễ mừng cơm mới theo phong tục tập quán, phải tìm ngày tốt để đi lấy hồn lúa về. Trước khi đi, người ta đi giấu chứ không công khai. Đi gặp ai cũng không nói chuyện. Đi vào nương chặt cây nứa, cây vầu lấp đường. Dân tộc Phù Lá có truyền thống rồi nên khi thấy các cây này lấp đường thì người ta không bao giờ đi qua đường ấy vì biết có nhà hôm nay ăn cơm mới. Khi mang cơm mới về thì phải đưa lên gác bếp, và ngay tối ngày hôm ấy phải ăn cơm mới luôn.
Sau khi kết thúc nghi lễ cúng mời tổ tiên về hưởng cơm mới, gia đình chủ nhà sẽ bày mâm và mời anh em họ hàng, người dân trong bản đến dự bữa cơm mới. Lễ mừng cơm mới sẽ diễn ra tới tận đêm khuya. Gia chủ và khách sẽ cùng nhau nâng chén rượu chào mừng một mùa vụ bội thu, chúc cho gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất. chúc gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Kèm theo là các tiết mục văn hóa văn nghệ thuật đặc sắc như múa xòe…