Tết của người Sán Chỉ

Nguyễn Quý 06/02/2023 09:00

Khi những nụ đào đá khoe sắc tô điểm thêm cho bản làng cũng là thời điểm bà con người Sán Chỉ ở tỉnh Quảng Ninh đón Tết. Tết của người Sán Chỉ nơi đây kéo dài từ 25 tháng Chạp cho đến hết Rằm tháng Giêng.

Phụ nữ Sán Chỉ các xã Lục Hồn, Húc Động (huyện Bình Liêu) chơi đánh quay ngày đầu Xuân.

Đã qua những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng không khí rộn ràng vẫn còn nguyên vẹn ở các bản làng người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) và một số xã, như Lục Hồn, Húc Động (huyện Bình Liêu). Đây là thời điểm nông nhàn nhất trong năm, khi công việc ruộng nương đã xong xuôi, người Sán Chỉ quanh năm cần cù cho phép mình nghỉ ngơi để tham gia vào những ngày hội.

Vừa qua những ngày bận rộn nhất cho vụ sản xuất miến phục vụ Tết, những ngày này anh Trần A Chiu (thôn Lục Ngà, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) được nghỉ xả hơi, hòa mình vào phong tục Tết truyền thống của dân tộc.

Cũng như mọi nhà khác, dù bận rộn đến đâu, thì ngày 30 Tết, bàn thờ tổ tiên được anh Chiu lau chùi sạch sẽ, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cổng, cửa ra vào và các vật dụng trong nhà. Theo quan niệm của người Sán Chỉ, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu... Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với họ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Họ cũng chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên trong ngày cuối cùng của năm cũ.

Đêm 30 Tết, chủ nhà lấy giấy đỏ và vàng cắt hình con cá, cùng nhau ngân nga bài hát chúc mừng năm mới của người Sán Chỉ, chờ đến giây phút giao thừa.

Mùng 1 Tết, chủ nhà hỏi thầy mo hướng xuất hành đầu năm rồi chặt một cây tre cao hơn 2m để nguyên cả cành lá cắm vào hướng đó trước sân. Cũng trong ngày đầu tiên của năm mới, mọi người dậy sớm nấu cơm, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Sau khi hoàn thành nghi lễ thắp hương cúng tổ tiên và cầu phúc, gia đình quây quần bên mâm cơm Tết, vừa ăn uống, vừa chúc tụng nhau một năm mới đủ đầy, ấm no.

Người Sán Chỉ kiêng ăn thịt, quét nhà, đi nương rẫy vào mùng 1 Tết. Các gia đình chọn ăn Tết mùng 1 bên nhà nội, mùng 2 nhà ngoại, mùng 3 làm lễ khai Xuân đốt cành tre con cá được cắm từ mấy hôm trước và gõ kẻng, gõ trống để xua đuổi những điều không may, bệnh tật ra khỏi nhà. Họ khai Xuân bằng tục lệ mời tất cả các nhà trong xóm tập trung giúp một nhà trồng ngô vào buổi sáng. Buổi chiều, chủ nhà mời tất cả mọi người bữa ăn đầu năm, múa hát đến khi mặt trời lặn.

Mùa lễ hội của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng. Ảnh: La Lành.

Trong tháng Giêng, người Sán Chỉ còn tổ chức nghi lễ cúng cầu may. Địa điểm chọn là một nơi có gốc cây to, xung quanh bằng phẳng. Mỗi gia đình trong bản có trách nhiệm góp lễ vật để tổ chức. Lễ vật của mỗi gia đình không quy định cụ thể, đó có thể là miếng thịt, đĩa cá, con gà, xôi, rượu, cùng với giấy vàng, hương.

Từ mùng 3 Tết đồng bào Sán Chỉ cùng nhau tổ chức hội Xuân. Ngày Tết, bà con tập trung chơi kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn. Đặc biệt, người Sán Chỉ thích hát giao duyên vào những ngày Xuân. Các bản hát đối với nhau, hát nhóm nam nữ, nội dung của các bài hát để chúc Tết hoặc ngợi ca tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước, tình yêu lao động. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ các buổi đi hát như thế này.

Trong thời gian chính thức diễn ra hội hát còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đánh quay và đặc biệt là giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ với các cô gái mặc váy, đầu quấn khăn mấn ra sân thi đấu như những cầu thủ chuyên nghiệp.

Về các bản làng người Sán Chỉ vào thời điểm này, du khách còn ngạc nhiên bởi những đổi thay ở vùng đất miền núi như Đại Dực (huyện Tiên Yên). Từ năm 2017 trở về trước, Đại Dực được biết đến là một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp truyền thống.

Giờ đây, những mái nhà tranh, vách đất không còn xuất hiện ở Đại Dực. Thay vào đó là nhiều căn nhà, cùng nhiều công trình cơ sở hạ tầng khang trang.

Người Sán Chỉ ngày nay ngoài giỏi nghề canh nông, trồng rừng, họ còn rất nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình kinh tế ở các vùng dân tộc ít người của Quảng Ninh được người Sán Chỉ đi đầu, làm mô hình điểm.

Với người Sán Chỉ từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát. Đó cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Sán Chỉ trong mỗi độ Tết đến Xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết của người Sán Chỉ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO