Tết đầu tiên ở đảo chìm đầu tiên

Theo Tiền Phong 28/01/2017 18:04

“Ai sinh ra đảo Thuyền Chài, để hai Ðại tá nằm dài ở đây”. Ðại tá Cao Ánh Ðăng đọc câu vè rồi cười vang, bắt đầu kể chuyện về kỷ niệm đón Tết Ðinh Mão, cách đây đúng 30 năm ở bãi Thuyền Chài, bãi san hô đầu tiên được Hải quân Việt Nam đóng giữ ở quần đảo Trường Sa.

Ðưa người lên bãi Thuyền Chài khá khó khăn.

Đã sang tuổi 88, Ðại tá Cao Ánh Ðăng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Vùng 4 Hải quân vẫn còn nhớ vô vàn kỷ niệm của 24 năm gắn bó với Trường Sa từ năm 1975 đến năm 1989, nhất là giai đoạn đóng giữ thêm 4 đảo nổi năm 1978, đóng giữ bãi Thuyền Chài năm 1987 và 11 bãi đá khác năm 1988.

Tháng 3/1978 và tháng 4/1978, Trung đoàn 146 (từ tháng 7/1980 được nâng cấp thành Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) phối hợp với một số đơn vị khác đã đóng giữ các đảo An Bang, Sinh Tồn Ðông, Phan Vinh và Trường Sa Ðông. Trung đoàn trưởng Cao Ánh Ðăng trực tiếp chỉ huy đóng giữ đảo An Bang (ngày 10/3/1978) và đảo Phan Vinh (30/3/1978). Cuối năm 1986, nhiều nước cho máy bay và tàu chiến tăng cường hoạt động tại quần đảo Trường Sa. “Cuối tháng 12 năm 1986, Ðại hội Ðảng lần thứ 6 vừa bế mạc, tôi ra Quân chủng họp, mấy ổng phổ biến tình hình, nói Trường Sa đang phức tạp lắm, thôi nhanh chóng về giữ đảo đi”. Ðại tá Cao Ánh Ðăng nhớ lại. Ngay đầu tháng 1/1987, Ðại tá Cao Ánh Ðăng, lúc đó là Phó Chỉ huy trưởng Vùng 4, kiêm Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 trực tiếp chỉ huy một đơn vị đi trên tàu của Hải đội 413 (Vùng 4) ra canh giữ bãi Thuyền Chài. Bãi Thuyền Chài cách đảo An Bang khoảng 27 hải lý về phía Ðông Bắc, dài khoảng 17 hải lý, là một trong những rạn san hô dài nhất ở quần đảo Trường Sa. Khi tình hình Trường Sa căng thẳng, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận định, bãi Thuyền Chài là một trong những mục tiêu dòm ngó đầu tiên của một số nước trong khu vực.

Ðại tá Cao Ánh Ðăng kể chuyện Trường Sa cho phóng viên.

Ra bãi Thuyền Chài, tàu của Ðại tá Cao Ánh Ðăng gặp và đuổi ngay mấy tàu cá, có số hiệu và cờ Ðài Loan (Trung Quốc). Rồi quân ta phát hiện một tàu dạng tàu cá lớn, không có số hiệu neo cạnh bãi Thuyền Chài. Bị hỏi, những người trên tàu lắc đầu, nói uẩy ỏa gì đó, rồi chui hết vào khoang, cho một phụ nữ ra phơi lưới trên boong. Bị đuổi, tàu này cứ loanh quanh ở bãi Thuyền Chài. Ðại tá Cao Ánh Ðăng điện đề nghị Bộ Tư lệnh Hải quân điều thêm người ra giúp. “Ông Cương (cố Ðô đốc Giáp Văn Cương, cố Tư lệnh Hải quân - NÐQ) bảo đưa ra Thuyền Chài một tàu nữa, bảo Ðại tá Lê Văn Thư, Tham mưu trưởng Vùng 4 ra hỗ trợ tôi, cùng đi có anh Lương ở Phòng Hàng hải của Quân chủng, biết tiếng Trung Quốc”. Ðại tá Cao Ánh Ðăng kể. Tàu của Ðại tá Lê Văn Thư canh ở phía Bắc bãi Thuyền Chài, tàu Ðại tá Cao Ánh Ðăng canh ở phía Nam.

Tàu của Ðại tá Cao Ánh Ðăng lại gặp chiếc tàu lạ. Mấy người đàn ông trên tàu lại chui vào khoang, để người đàn bà ra phơi lưới. Ðã có phiên dịch, Ðại tá gọi mấy người đàn ông ra để hỏi. Một người đàn ông nói, tàu cá của họ thuộc HTX đánh cá tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ðang hỏi đáp thì có 6 chiếc xuồng máy chở hàng chục người ào về. Ðại tá Cao Ánh Ðăng nói với cấp dưới, ngư dân Việt Nam, Philippines hay Ðài Loan đều là những người lớn tuổi, đen đúa, còn đám này toàn thanh niên 19, 20 tuổi, trắng trẻo, chắc là lính hải quân đánh bộ. Bị hỏi, đám thanh niên nói rằng đi câu cá, rồi đưa lên một con cá hồng. “Tôi nói, chuyện câu cá chẳng qua là che mắt chúng tôi thôi, các anh không phải là ngư dân, đến đây thăm dò đảo. Ðây là đảo của Việt Nam, các anh phải đi khỏi đây”. Ðại tá Ðăng kể lại cuộc nói chuyện mềm mỏng nhưng kiên quyết với những người trên chiếc tàu Trung Quốc.

Ðiểm C đảo Thuyền Chài (trước kia là điểm A), bên cạnh còn chiếc pông tông số 01, được kéo lên đảo Thuyền Chài ngày 5/3/1987.

Lần này, chiếc tàu bị đuổi không quay lại, nhưng hai Ðại tá thống nhất báo về Bộ Tư lệnh Hải quân rằng, Trung Quốc có ý đồ chiếm bãi Thuyền Chài. Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị, trong khi chờ lực lượng, phương tiện ra đóng giữ bãi Thuyền Chài, hai tàu tiếp tục trực canh. Thấm thoắt Tết đến. Buổi giao thừa không hề có bánh chưng, kẹo mứt, không hoa, không thuốc lá, chỉ có một chai rượu bên ấm trà. “Sáng mùng một ông Thư sang bên tôi chúc Tết. Tôi mời ổng ly rượu, ổng khoái quá cứ hỏi tôi sao còn để dành được? Tôi nói, phải tính đến chuyện ăn Tết giữa biển nghe, đón xuân mới ở đảo xa lạnh lẽo phải có cái gì ấm áp tý nghe”. Ðại tá Cao Ánh Ðăng cười vang, giọng nói sau hơn nửa thế kỷ bôn ba khắp trong Nam, ngoài Bắc vẫn không phai âm sắc Phú Yên.

Cuối tháng 2/1987, có tàu ra thay, hai Ðại tá về báo cáo cụ thể tình hình với Bộ Tư lệnh Hải quân và đề xuất phương án đóng giữ bãi Thuyền Chài. Sáng ngày 5/3/1987, tàu HQ 961 (Lữ đoàn 125 Hải quân) kéo pông tông số 01 lên bãi Thuyền Chài. Một đơn vị của Lữ đoàn 146 đóng quân trên pông tông này cho đến khi một nhà cao chân được lắp đặt hoàn chỉnh cạnh đó, vài tháng sau. Ngày 5/3 hàng năm là ngày truyền thống của đảo Thuyền Chài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết đầu tiên ở đảo chìm đầu tiên