Xã hội

Tết đến, vỉa hè Hà Nội lại 'nghẹt thở'

Kim Huệ 17/01/2025 10:00

Khi Tết Nguyên đán cận kề, Hà Nội lại tái diễn cảnh vỉa hè và lòng đường bị lấn chiếm bởi hàng hóa, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn đặt ra những thách thức nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

tr14 (1)
Trên phố Hàng Ngang (Hà Nội), nhiều hàng bán quần áo giảm giá bày bán trên vỉa hè, khiến du khách phải đi xuống lòng đường. Ảnh: Xuân Hoa.

Những ngày giáp Tết, các tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Kim Giang, Kim Mã... cho tới vỉa hè các phố trung tâm như Hàng Mã, Hàng Đào, Hàm Long... ngập tràn chậu hoa, cây cảnh, và các phụ kiện trồng cây. Các tiểu thương tận dụng mọi khoảng trống, từ vỉa hè đến sát lòng đường để bày bán hàng hóa. Thậm chí, một số người còn dựng ô dù, kê bàn ghế ngay trên lòng đường để phục vụ khách hàng. Tình trạng này không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn khiến người đi bộ không còn không gian di chuyển, buộc phải đi xuống lòng đường, đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông.

Dù đã có nhiều chiến dịch ra quân lập lại trật tự vỉa hè nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Sau mỗi đợt xử lý, vỉa hè lại nhanh chóng bị chiếm dụng trở lại. Điều này khiến người dân bức xúc và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

tr14 (2)
Hàng hóa tràn ngập cả vỉa hè và lòng đường phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Lê Minh.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè vào mỗi dịp Tết không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn. Trước hết, các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Việc quản lý vỉa hè không thể dừng ở mức chiến dịch mà cần trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu vực chợ tạm hoặc điểm bán hàng Tết được quy hoạch rõ ràng, phù hợp, để người dân có nơi kinh doanh mà không gây ảnh hưởng đến giao thông và cảnh quan. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm định chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo và thận trọng trong việc lựa chọn hàng hóa dịp Tết. Nên ưu tiên mua sắm tại các cơ sở kinh doanh uy tín, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng. Việc sử dụng sản phẩm không đảm bảo không chỉ gây hại cho sức khỏe bản thân mà còn tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh không lành mạnh.

Để giữ gìn trật tự đô thị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ chính quyền và ý thức tự giác từ người dân. Một đô thị văn minh, sạch đẹp chỉ có thể đạt được khi mọi người cùng chung tay thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết đến, vỉa hè Hà Nội lại 'nghẹt thở'