Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một tập tục tốt đẹp được duy trì ở nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa và cách thức đi chùa đúng đắn.
Ngày rằm, mồng một, ngày lễ tết hay những ngày có việc quan trọng, người Việt thường đến chùa lễ Phật với tấm lòng thành kính, mong tâm được thanh tịnh, đạo được mở mang, tai qua nạn khỏi, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Để hoạt động tín ngưỡng này diễn ra đúng với bản chất, góp phần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bài trừ mê tín dị đoan thì cần có cái nhìn đúng đắn về chùa chiền và giáo lý đạo Phật.
Phần lớn người dân Việt Nam đi lễ chùa theo truyền thống gia đình. Họ đi đến chùa để cầu bình an, sức khỏe, mong “trời Phật phù hộ” cho kết quả học tập của con cái, hay chuyện làm ăn, buôn bán sẽ thuận lợi và ngày càng tốt hơn. Nhiều người vì gặp khúc mắc trong cuộc sống và khi không thể giải quyết được những vấn đề khó khăn, họ rơi vào trạng thái khủng hoảng, bế tắc cũng sẽ tìm đến chùa.
Tuy phong tục tập quán giữa các miền có khác nhau nhưng những lưu ý và cách thức đi chùa sao cho đúng với bản chất của nó thì ai cũng cần phải biết.
Sắm lễ đi chùa
Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè... Việc sắm lễ mặn (thường chỉ đơn giản: gà, giò, chả, rượu, trầu cau...) chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu, Đức Ông và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Vàng mã, tiền âm phủ cũng chỉ nên đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay bàn thờ Đức Ông.
Cách bày lễ ở các ban
Ở chùa, ban to nhất bao giờ cũng ở chính giữa. Nhà chính là ban Tam Bảo thờ phật, khi đặt lễ ở ban này để cúng dường chư phật thì đầy đủ nhất phải gòm 5 món: hương - đăng (nến) - hoa - quả - nước. Nếu có chuẩn bị nhiều đồ lễ để bày các ban thì nên ưu tiên sắp sửa cho ban Tam Bảo đẹp và trang trọng nhất nhưng tuyệt đối không để tiền, vàng lên ban Tam Bảo.
Tiền thật nên để trực tiếp vào hòm công đức coi như đó là tiền cúng dường. Tuyệt đối không cúng đồ lễ mặn trong chùa, kể cả để ở ban Đức Ông.
Khi thắp hương, có thể thắp 3 nén, cứ thắp chung ở lư hương to đặt trước cửa chùa, rồi sau đó đi từng ban khấn.
Hành lễ theo thứ tự
- Đặt lễ vật, thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông trước.
- Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông (Đức Chúa) xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư phật, bồ tát.
- Sau khi đặt lễ ở chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường, điện thờ Mẫu, Tứ Phủ. Đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
- Cuối cùng là lễ ở nhà thờ tổ (nhà hậu).
- Sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
Trang phục
Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi đứng nhẹ nhàng. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần short, váy ngắn… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa.
Cầu nguyện
Khi đi lễ chùa thường chú trọng sám hối, sau đó nguyện hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ, cho người thân, người mất được siêu sinh Tây phương cực lạc, người sống được mạnh khỏe, an lạc, biết đến phật pháp tăng, tin sâu phật pháp.
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Vào đình, đền có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm…
Nguyên tắc ra, vào
Khi đi qua cổng tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng ra vào.
Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chếch sang một bên.
Xưng hô
Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy và xưng mình là con. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.
Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự bình an cho gia đình, nghiệm ra những nhân - quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó, có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Vì vậy, cần hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa, đi chùa có nguyên tắc để lưu giữ phong tục truyền thống này một cách trọn vẹn nhất.