Tết Nguyên đán là thời điểm đoàn tụ gia đình, được thăm hỏi người thân sau bao ngày tha phương nơi “đất khách quê người”, mong muốn ấy lại càng lớn hơn với những người con xa quê khi Tết đến Xuân về.
“Nhớ Tết quê”
Tết năm nay, chị L.T.H.Loan (30 tuổi) đón Tết cùng gia đình chồng ở Hàn Quốc. Với chị “mỗi một năm đón Tết xa quê là cả một nỗi niềm chất chứa”.
Nhớ lại khoảng thời gian mới bước chân sang Hàn chị kể, chị sang đây từ tháng 12 năm 2017, đến nay cũng được hơn 4 năm. Chồng chị là người Hàn Quốc, cả hai người bén duyên ở Việt Nam rồi lấy nhau.
Sau đó, chồng chị trở về nước, một năm sau chị học tiếng rồi đi theo chồng. Từ ngày lập gia đình, chị ít có cơ hội về quê đón Tết, năm nào chị cũng mong mỏi được trở về quê vào mỗi dịp Tết để hít hà không khí Tết ở Việt Nam, nơi mình sinh ra và lớn lên.
Những năm trước, chị và chồng thường đi làm đến 29,30 Tết mới được nghỉ. Trong những ngày này chị thường làm mứt để đãi cả nhà, ngày Tết chị cũng ít khi tụ tập cùng bạn bè, chỉ quanh quẩn quanh nhà bởi người nào cũng đều ở xa. “Tết ở Hàn đơn giản lắm” - chị nói.
Theo những người dân xa xứ, cũng giống như người Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết cổ truyền vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Để chuẩn bị cho ngày lễ cổ truyền, người Hàn mua thực phẩm, vé xe và quà tặng.
Chỉ riêng đồ thờ cúng và quà tặng cũng đã có quá nhiều thứ phải chuẩn bị, do đó mà những ngày gần Tết ở chợ và các cửa hàng bách hóa thường chật cứng người mua đồ. Thực phẩm dùng cho thờ cúng thường có các loại rau, thịt, cá, trái cây được lựa chọn kỹ càng về hình dáng, màu sắc và độ tươi.
“Gia đình chồng mình theo Phật, vì vậy mẹ chồng thường sắm đồ cúng tổ tiên vào ngày giỗ và Tết. Tuy nhiên, mỗi một gia đình sẽ có một cách đón Tết khác nhau, phụ thuộc vào kinh tế, nhu cầu của mỗi người”, chị Loan thông tin.
Nói về sự khác biệt khi đón Tết nơi đất khách, chị Loan thông tin thêm: “Ngày Tết nguyên đán người Hàn Quốc chỉ có duy nhất 3 ngày nghỉ, kéo dài từ ngày cuối cùng của năm cũ cho tới hết ngày mùng 2 Tết. Thậm chí có nhiều người vẫn đi làm tăng ca vào những ngày này.
Phụ nữ Hàn Quốc sẽ dành cả 3 ngày nghỉ cho việc dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa và nấu nướng chuẩn bị thực phẩm đón Tết. Trong khi đó, đàn ông lại bận rộn với những công việc có tính lễ nghi truyền thống trong văn hóa của người Hàn Quốc.
Trước khi tới năm mới, mọi người sẽ tắm nước nóng để gột rửa những việc không may mắn trong năm cũ. Trong 3 ngày Tết, sau khi hoàn tất các nghi thức thờ cúng tổ tiên người Hàn sẽ đi thăm chùa chiền và họ hàng người thân của mình”.
Trong 4 năm xa quê, chị Loan và gia đình chỉ mới trở về Việt Nam đón Tết một lần. Năm nay, chị không được ở gần bố mẹ vào những ngày đặc biệt, vì vậy chị có cảm giác buồn man mác. Trong sâu thẳm, chị vẫn nhớ như in hình ảnh cả nhà cùng ngồi canh nồi bánh chưng râm ran chuyện trò thâu đêm bên bếp lửa hồng, trẻ con lon ton chạy tung tăng từ nhà này sang nhà khác nhận lì xì. Dịp này, chị Loan cùng cha mẹ dọn dẹp sửa soạn nhà cửa và mua sắm Tết.
“Hình ảnh này với người xa quê tha phương từ năm này qua năm khác như mình thật đáng quý và trân trọng. Xa quê rồi, mình mới thấm thía nỗi nhớ quê, mới thấm cái lạnh khi thiếu vắng tình cảm gia đình, của anh em, bè bạn quây quần bên nhau dịp Tết đến, xuân về ”, chị Loan than thở.
“Tha phương… không có Tết”
Không giống với hoàn cảnh của chị Loan, Nguyễn Thị Hòa (23 tuổi, Nghệ An) xuất khẩu lao động sang Nhật Bản phải làm việc xuyên Tết. Nguyễn Hòa cho biết, ở Nhật nếu là du học sinh trong khoảng thời gian này sẽ được nghỉ để đón Tết nguyên đán, tuy nhiên, đối với những người xuất khẩu lao động, họ sẽ phải làm việc như những ngày thường.
Gần 4 năm làm việc tại Nhật Bản cũng chừng ấy thời gian đón Tết ở xứ người, Hòa luôn khao khát giây phút đoàn tụ cùng gia đình. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, Hòa phải gác lại phần đa những dự định của bản thân, trong đó có cả kế hoạch trở về Việt Nam đoàn viên cùng gia đình.
Tết năm nay cũng không khác Tết của 3 năm trước, Hòa vẫn phải đi làm đủ 8 tiếng một ngày. Do múi giờ giữa 2 nước có sự chênh lệch nên dù có bận rộn với công việc hay bất tiện về thời gian, thời khắc giao thừa, Hòa vẫn tranh thủ gọi điện thoại về cho gia đình, chúc Tết người thân và tranh thủ hít hà không khí Tết qua màn hình điện thoại.
“Ở nước ngoài, ngày Tết âm lịch không được xem là một ngày lễ nên tôi vẫn phải đi làm bình thường.
Vào ngày cuối tuần trước hoặc sau Tết, tôi mới tranh thủ đi thăm ngôi chùa gần thành phố mình ở để có chút không khí Tết với thắp nén nhang cầu bình an và hi vọng một năm mới thuận lợi, suôn sẻ, nhất là cầu nguyện cho cha mẹ ở nhà được khỏe mạnh bình an”, Hòa nói.
Cũng như bao người con tha hương tại Nhật Bản, vào dịp này, Hòa thường hẹn bạn bè đi ăn rồi cùng nhau ôn lại hồi ức về quê hương, gia đình và đặc biệt là để giữ gìn nét văn hóa, truyền thống, ẩm thực đặc sắc rất riêng của đất nước mình.
“Làm sao quên được lúc cả nhà ngồi gói bánh chưng, mỗi người một việc, thèm lắm hương vị Tết quê nhà, thèm lắm được cùng mẹ rửa lá, cùng cha chuẩn bị nếp, đậu, thịt. Rồi cả cái không khí Tết se se lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh, nghe ông mệ kể chuyện gia đình, dòng tộc, làng xóm.
Tết đến… cảm giác nôn nao đến lạ thường, muốn về thật nhanh để cùng gia đình đón Tết, rồi đi thăm, chúc Tết bà con, bạn bè…”, Hòa bày tỏ.