Tết Việt ở miền viễn xứ

Lam Hồng 04/02/2022 07:30

Không có pháo hoa, không được ngắm đào, ngắm mai nở nhưng Tết của người Việt ở nhiều nước trên thế giới cũng có đủ các nghi thức và hương vị cổ truyền của dân tộc. Người Việt xa quê hương vẫn luôn lưu giữ và dạy con, cháu về truyền thống, văn hóa phong tục của cha ông và luôn hướng về Tổ quốc.

Những ngày Tết là lúc các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau. Ảnh: Hoàng Huân

Sum vầy đón Tết cổ truyền dân tộc

Cách đây gần nửa thế kỷ, năm 1974, Phan Thành rời quê hương Trà Vinh đi Canada. Để xây dựng hòa nhập cuộc sống ở xứ người, ông đã phải lăn lộn làm đủ nghề kiếm sống. Ngoài 30 tuổi, ông xây dựng gia đình. Sau nhiều năm xa quê, mỗi độ Xuân về ông vẫn luôn thổn thức về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ông cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Canada khoảng 150 vạn người, hàng năm ông cùng với bà con bên này tổ chức đón Tết từ rất sớm. Tết ở xứ người cũng có nhiều hương vị quê nhà như bánh chưng, nấu chè, mở hội trại, cùng hát cho nhau nghe những bài hát về quê hương Việt Nam. Chúng tôi cùng sẻ chia những tình cảm, kinh nghiệm làm ăn. Tất cả những điều đó đã làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê”.

Theo ông Trần Văn Đôn - giảng viên một trường Đại học tại Paris, Tết tại Pháp được các ông, bà trong Ban Liên lạc người Việt tại đây chuẩn bị trước cả tháng, bao gồm các chương trình văn nghệ và ẩm thực truyền thống với đầy đủ các món của ngày Tết như: bánh chưng, chả cuốn, giò lụa... Ai ai cũng háo hức, mong cho đến ngày Tết để anh em bạn bè người Việt tụ họp, quây quần, được chia sẻ những thành quả làm việc với nhau trong một năm, được thấy niềm vui trong nỗi buồn xa xứ và cũng là dịp để quảng bá về văn hóa Việt cho bạn bè nước Pháp.

Dù ở bất cứ nơi đâu, người Việt cũng luôn giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Bà Đào Thị Hương - một người Việt định cư tại Mỹ, tâm sự: “Vào dịp Tết, chúng tôi thường về nhà những người bạn ở ngoại thành thành phố Los Angeles (tiểu bang California) tập trung lại cùng gói bánh chưng và trang hoàng nhà cửa; rồi tổ chức tặng quà, thăm hỏi cộng đồng người Việt ở đây. Riêng ở gia đình tôi luôn thực hiện việc gìn giữ và dạy cho con cháu về những nét đẹp truyền thống. Đêm giao thừa và các ngày đầu tháng, gia đình vẫn nấu mâm cỗ đầy đủ các món ăn Việt để cúng gia tiên, để con cháu quây quần bên nhau”.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Hòa - Việt kiều Ucraina, chia sẻ: Đối với những kiều bào không có điều kiện trở về quê hương, để vơi đi nỗi nhớ quê trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, họ lại tham dự buổi Lễ mừng Xuân mới do Đại sứ quán và Hội người Việt tổ chức, với nhiều hoạt động như: Gói bánh chưng, cúng ông bà tổ tiên lúc giao thừa, tổ chức các trò chơi dân gian, gọi điện về Việt Nam chúc Tết… với mong muốn giữ chút ít hương vị Tết truyền thống.

Giữ gìn phong tục truyền thống

Ngay từ những ngày đầu tháng 1 dương lịch ở Thủ đô Moscow (Nga), cộng đồng người Việt đã rạo rực không khí Tết. Nhiều tổ chức, hội, trung tâm đã đặt câu đối Tết, đặt mua bánh chưng; một số nơi đã làm xong lịch để tặng cho những người thân; đối với các công ty thì tặng lịch cho công nhân, nhân viên của mình.

Ông Nguyễn Xuân Vỹ - một người sống lâu năm ở Nga cho biết, vào dãy hàng các sản phẩm khô ở Rưbác, chợ Xodovod, Liublino, Mekong giống như là hạ cánh xuống chợ Hàng Da, Đồng Xuân vậy, không thiếu một thức gì. Kể cả những mặt hàng hiếm hoi nhất mà khách hàng có thể mua là lá dong, nếp cái, đỗ bóc vỏ, tôm tươi, tôm nõn, bóng miến, gia vị… Ở đây, các nhà dịch vụ quan tâm từ hộp tăm tre, đôi đũa sơn, bát đàn, lư hương thờ cúng, kim ngân, rượu nếp. Có thể nói, trên là trời, dưới là hàng Tết theo kiểu người Việt.

Một gia đình người Việt ở Mỹ gói bánh chưng đón Tết.

Thú vị nhất là sinh viên, số lượng ở Nga trong mấy năm gần đây đã tăng trưởng khá mạnh mẽ, chủ yếu bằng con đường du học tự túc. Những trường đại học ở gần cộng đồng người Việt, sinh viên luôn được ưu ái và dành cho một sự quan tâm lớn đáng kể về mặt vật chất. Các cô chú, các đơn vị cộng đồng hỗ trợ cho các sinh viên đầy đủ những món ăn truyền thống trong ngày Tết để giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà.

Còn người lao động phổ thông ở đây cũng được những người quản lý tạo điều kiện để đón Tết đầm ấm. Anh Bùi Quang Tùng - một thợ xây quê Nghệ An cho biết, chỗ ở của anh em là các khu nhà chưa hoàn thiện, nay đây mai đó. Những ông quản lý người Nga nào dễ thông cảm, họ cho anh em nghỉ một ngày đón Tết nhưng những ông chủ nào cứng nhắc chỉ trích ra một buổi cho thợ nghỉ ngơi theo truyền thống, bởi ngày 30, mùng 1 Tết của ta vẫn là ngày làm việc của họ. Có những chủ xưởng hảo tâm còn thuê một chuyến xe đưa anh em thợ đi thăm thú một vài khu vực thủ đô. Họ được chụp hình, được ngắm phong cảnh và mua một vài món đồ lưu niệm.

Theo anh Tùng, sau giờ làm việc, anh em thợ xây thường về nghỉ ở vùng ngoại ô, hoặc gần nông thôn. Ngày Tết tự cải thiện bằng cách vào làng mua một con cừu, mua thêm vài con gà, thêm chai rượu nữa là hì hục nấu nướng, xúm lại ngồi với nhau đón Tết. “Dù ở xứ lạnh nơi mịt mù cực Bắc, dù tận nơi thảo nguyên hoang vắng, người Việt ai cũng chúc nhau, cùng hy vọng một ngày không xa sẽ được đón Tết sum vầy tại quê nhà”, anh Tùng trải lòng.

Nét đặc biệt về mặt văn hóa tâm linh là bất cứ một gia đình người Việt nào tại Nga cũng có bàn thờ cúng gia tiên. Dù mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng cố sắm các thức bày mâm cúng Tết đủ món, đủ lễ theo một quy ước bất thành văn là xôi gà, rượu trắng, mâm ngũ quả, hương vàng, bánh chưng, và cành đào đỏ.

Năm nay, do không đổi giờ mùa Đông, nên 9 giờ tối, tương đương với 12 giờ Việt Nam, nhà nhà sẽ thắp hương, khấn vái trước bàn thờ gia tiên phút giao thừa hướng về đất Mẹ. Mọi lễ nghi ở nước Nga xa xôi này đều thực hiện như một bản sao của phong tục, tập quán quê nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết Việt ở miền viễn xứ