Trong những năm gần đây, xu hướng “Tết xanh” đang được nhiều người ủng hộ như một cách kết hợp giá trị truyền thống với ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là giới trẻ.
Theo truyền thống của người Việt, Tết luôn là dịp để sắm sửa thật nhiều phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, cùng với những bữa tiệc ăn uống linh đình, vừa để "tự thưởng" cho một năm với nhiều cố gắng đã qua, vừa để hướng tới một năm mới sung túc, đủ đầy hơn.
Cũng vì thói quen mua sắm này, rất nhiều món đồ không thực sự cần thiết đã bị bỏ đi ngay khi dịp Tết kết thúc một cách lãng phí như quần áo chỉ được mặc chụp ảnh một lần đã bị coi là cũ, đồ gia dụng nhựa, hay thậm chí lượng lớn thức ăn thừa cũng bị thải ra ngoài môi trường...
Tâm lý sắm sửa và tiêu dùng nhiều nói trên cũng là nguyên nhân chính khiến lượng rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tăng đột biến trong và sau Tết. Theo báo cáo thống kê hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn, lượng rác thải sinh hoạt dịp Tết Nguyên đán ghi nhận tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Trước các vấn đề đặt ra cho môi trường kể trên, xu hướng đón Tết xanh, không lãng phí và thân thiện môi trường ngày càng thu hút nhiều người, nhất là các bạn trẻ tham gia.
Tết “xanh” thường để chỉ việc tiêu dùng tiết kiệm – bảo vệ môi trường bền vững ngày Tết. Có rất nhiều ví dụ có thể minh họa cho xu hướng Tết “xanh”. Nó có thể là việc ưu tiên sử dụng sản phẩm có thể tái chế, được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng bao nilon một lần khi đi chợ/siêu thị , hay tận dụng các sản phẩm còn lại trong nhà bằng việc kiểm tra hạn sử dụng, cân đối mua sắm sản phẩm mới sao cho không lãng phí
Điều dễ thấy, những hoạt động của Tết xanh không quá khác biệt với lối sống bền vững thông thường. Song, nó đặc biệt vì những đặc thù riêng gắn với dịp Tết cổ truyền.
Bạn Vũ Thái Anh (23 tuổi ở Hải Phòng) chia sẻ: “Vài năm nay mình đã có thói quen tìm mua những sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế cho những mặt hàng không thể thiếu khi về quê ăn Tết, dù thông thường đó cũng chỉ là những món đồ khá bé nhỏ như bao lì xì, hộp quà, đồ trang trí nhà. Từ khi dùng những sản phẩm được làm từ giấy tái chế, dễ phân hủy này, mình đã nói không tuyệt đối với những sản phẩm nhựa, túi nilon…”
Trong khi đó, đối với Trần Xuân Anh (28 tuổi ở Cầu Giấy) thì Tết xanh đơn giản chỉ là dừng bản thân lại mỗi tâm lý “tiêu xả láng” trỗi dậy: "Mọi năm, Tết là thời điểm tôi mua sắm tưng bừng nhất. Nhưng giờ đây, đối với tôi, Tết xanh mới đúng xu hướng. Đó là chi tiêu đúng mực, không thừa không thiếu để tránh ảnh hưởng đến môi trường".
Còn chị Bùi Hồng Hải, một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội lại chọn hành động Tết xanh theo một hướng của riêng gia đình mình:
"Các cháu trong gia đình tôi cùng các bạn cấp 2 cùng nhau tự vẽ hình trên bao lì xì được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường. Việc của người lớn là bán. Cả gốc và lãi của việc bán lì xì này được dùng để mua quần áo mới, mua ủng, khăn ấm, sách vở cho trẻ em vùng cao. Nhìn lũ trẻ bận rộn vẽ hình, thảo luận cùng nhau, tôi chợt nghĩ, có lẽ, san sẻ yêu thương, san sẻ niềm vui khi Tết về cùng là Tết xanh".
Tết cổ truyền không chỉ là thời khắc đoàn tụ mà còn là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm đối với môi trường. Một bao lì xì tái chế, một cành đào trang trí đơn giản, hay một bữa cơm Tết vừa đủ không chỉ giúp bảo vệ thiên nhiên mà còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn cho dịp sum vầy.
Tết xanh không phải là sự từ bỏ truyền thống, mà là cách tiếp nối những giá trị ấy một cách bền vững. Hãy để mùa xuân năm nay là thời điểm chúng ta hành động vì môi trường, để không chỉ đón một cái Tết trọn vẹn mà còn chào đón một tương lai xanh hơn, tốt đẹp hơn.
Xu hướng Tết xanh không chỉ là giải pháp cho vấn đề rác thải mà còn là lời khẳng định rằng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ giá trị Tết cổ truyền. Mỗi hành động nhỏ, từ việc sử dụng bao lì xì tái chế đến hạn chế thức ăn thừa, đều góp phần làm nên một cái Tết thật sự ý nghĩa.