Quốc tế

Thách thức lương thực toàn cầu

Thanh Đức 27/08/2024 11:05

Thông điệp đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng An ninh lương thực lần thứ 9 (FSMM) diễn ra ở Trujillo (Peru) là: Hành động khẩn cấp giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

anhbaitren.jpg
Người tị nạn Sudan xếp hàng chờ nhận lương thực từ Chương trình Lương thực thế giới. Ảnh: Reuters.

Sau hội nghị, ngày 26/8, phát biểu trước báo chí, ông Angel Manero Campos - Bộ trưởng Phát triển nông nghiệp và Thủy lợi Peru nhấn mạnh những tác động đan xen của biến đổi khí hậu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và bất bình đẳng kinh tế đang ngày càng đe dọa sự ổn định của hệ thống lương thực thế giới. Điều đó ngày càng rõ ràng hơn khi giá lương thực bị đẩy lên cao.

“Bất bình đẳng kinh tế vẫn là rào cản đáng kể, khiến hàng triệu người không thể mua đủ lương thực và dinh dưỡng. Chúng ta đang chứng kiến nhiều lỗ hổng trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp toàn cầu, càng phản ánh nhu cầu cấp bách phải đảm bảo tính ổn định và bền vững cho ngành nông nghiệp” - ông Campos nói.

Tại hội nghị FSMM, các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng bày tỏ quan ngại những thách thức về an ninh lương thực ngày càng trở nên trầm trọng hơn do thiên tai tàn phá mùa màng và cơ sở hạ tầng. Khoảng cách về phát triển kinh tế cũng dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận và khả năng chi trả cho lương thực trong khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm hao mòn giá trị đất nông nghiệp. Từ đó, đề xuất tận dụng công nghệ kỹ thuật số để cải thiện năng suất nông nghiệp, nâng cao tính minh bạch của thị trường, giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Trong đó, việc thúc đẩy nền nông nghiệp xanh có sức chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu và ít phát thải được coi là cốt lõi.

Nhiều năm qua, châu Phi chính là nơi chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu cũng như các cuộc xung đột vũ trang đã “bào mòn” nền kinh tế nông nghiệp. Theo Liên hợp quốc (LHQ), khu vực Sừng châu Phi là nơi có nhiều quốc gia lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm. Đứng đầu là Sudan với 24,8 triệu người. Tiếp theo là Ethiopia 21,4 triệu; Nam Sudan 9 triệu; Somalia 6,9 triệu; Kenya 6,4 triệu và Burundi 600.000 người.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng khiến hầu hết các quốc gia vùng Sừng châu Phi phải gánh chịu những thiệt hại to lớn về mùa màng. Từ tháng 7 tới ngày 20/8 năm nay, mưa lớn trút xuống gây lũ lụt ở nhiều nơi. Ngược lại, những nơi khác lại rơi vào cảnh hạn hán, người dân không có nước để trồng trọt cũng như phát triển đàn gia súc.

Vẫn theo FAO, tính từ đầu năm tới nay có khoảng trong 74,9 triệu người ở Lục địa đen luôn sống trong tình cảnh thiếu lương thực. Tình hình dinh dưỡng trên toàn khu vực tới nay vẫn rất đáng lo ngại, dẫn đến xung đột, di dời, bệnh truyền nhiễm...

Trong số các quốc gia châu Phi đang cố gắng vùng vẫy bởi cuộc khủng hoảng thiếu lương thực thì Sudan được coi là nặng nề nhất, nạn đói ở Sudan thậm chí có khả năng trở thành thảm họa nhân đạo mang tính lịch sử và có thể so sánh với nạn đói tại Ethiopia giai đoạn 1983 - 1985, giết chết khoảng 1 triệu người. Tờ The Guardian (Anh) nhận xét, trên thế giới hiện có những điểm nóng quân sự nên người ta hình như đã quên nạn đói ở Sudan.

Cùng với tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan thì nạn đói hoành hành ở Sudan còn do xung đột vũ trang phe phái. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas Greenfield, nhận xét nạn đói ở Sudan cần phải được mô tả bằng từ “thảm khốc” và nếu không được hỗ trợ của quốc tế thì cũng không thể hình dung được kịch bản xấu nhất sẽ là gì.

Tình hình tại Sudan vẫn đang tiếp tục xấu hơn với việc các trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính gia tăng ở mức đáng báo động và nhiều vùng phải đối mặt với nguy cơ nạn đói ngày càng lớn. Trong khi đó, dự báo mới nhất của Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD), tháng 9 tới, Sudan cũng như vùng Sừng châu Phi rất có thể sẽ phải hứng chịu những trận mưa lớn, kéo dài. Điều đó không chỉ làm cho nạn đói thêm trầm trọng mà còn dẫn tới bệnh tật. Trong đó có dịch tả, sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, sốt vàng da và bại liệt.

“Biến đổi khí hậu tiếp diễn, xung đột vũ trang không chấm dứt, chuỗi cung ứng toàn cầu không được nối lại thì an ninh lương thực sẽ vẫn còn phải đối mặt với những thách thức” - nhận xét của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA).

Trong báo cáo mang tên “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng”, do 5 cơ quan của LHQ công bố, gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì kể từ năm 2019, các cuộc khủng hoảng đã đẩy thêm 122 triệu người rơi vào cảnh đói ăn, đặc biệt là phụ nữ và những người sống tại khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy mục tiêu về “một thế giới không đói” vào năm 2030 còn rất xa vời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức lương thực toàn cầu