Cuộc cách mạng công nghiệp 4 sẽ là một bước ngoặt lớn buộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nâng cấp thiết bị, công nghệ nếu muốn chạy đua được với nền kinh tế toàn cầu. Vậy nhưng, nhiều doanh nghiệp Việt dường như vẫn đang còn khá bình chân với cuộc đua này.
Ảnh minh họa.
Mặc dù Việt Nam có lợi thế về chi phí nhân công rẻ, song, với việc cơn bão tự động hóa tràn vào, các rô – bôt làm việc chắc chắn sẽ năng suất hơn là tay chân của người lao động.
Đơn cử như đối với công đoạn sản xuất sợi của một nhà máy may, rô – bốt có thể làm thay 100 người công nhân cho 10.000 cột sợi.
Một công ty may từ con số 12.000 nhân viên cách đây 5 năm, nhờ sự góp mặt của tự động hóa nhiều công đoạn, số nhân viên nay đã giảm chỉ còn 7.000 nhân viên.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 86% số NLĐ VN trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa trong thời gian tới.
Không chỉ ngành dệt may, da giày bị ảnh hưởng, các ngành công nghiệp khác cũng sẽ phải đối mặt với sự có mặt của các rô – bốt, và khi đó, những người chỉ lao động chân tay sẽ khó có cơ hội có việc làm trong thời đại tự động hóa.
Chia sẻ với báo giới, giám đốc một công ty về thiết bị điện tử cho biết, cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 bỏ qua cơ hội có việc làm cho hàng chục người lao động riêng với công ty của vị này.
Theo vị này, nếu như trước kia, công ty phải có 50 lập trình viên mới có thể làm việc với nước ngoài để ký kết các hợp đồng với đối tác thì nay, tự động hóa đã giúp cho DN này chỉ cần 5 lập trình viên là đã có thể thực hiện được các ký kết hợp đồng.
Mặc dù tự động hóa đang dần thay thế con người và chắc chắn trong thời gian tới, những lao động có cơ hội được làm việc phải là những người có tay nghề cao, kỹ thuật giỏi, thế nhưng dường như với nhiều DN có vẻ vẫn không quan tâm đến việc hiện đại hóa thiết bị, máy móc, nâng cao nguồn nhân lực.
Theo đánh giá của GS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay phần lớn DN nhỏ và vừa vẫn đang sử dụng công nghệ của những năm 1970, 1980.
Trong đó hơn một nửa sử dụng thiết bị lạc hậu, một phần ba sử dụng thiết bị trung bình và chỉ có 10% là thiết bị hiện đại. Đáng quan ngại ở chỗ, DN Việt chịu chi phí cho đầu tư đổi mới khoa học công nghệ chỉ dừng ở con số khoảng 0,3% trong khi con số này của Ấn Độ là 5% và Hàn Quốc 10%, Nhật Bản là 50%.
Đặc biệt, theo nhận định của giới chuyên gia, để có thể theo được guồng quay của nền kinh tế “tự động hóa” trong thời gian tới, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, bài toán khó của Việt Nam hiện nay là thiếu nhân lực tay nghề cao chứ không thiếu cơ hội.
Các thị trường quốc tế cũng như trong nước, ở thời kỳ tự động hóa đều vẫn có rất nhiều cơ hội cho nguồn nhân lực, song phải là những người có kỹ năng tốt chứ không chỉ là lao động chân tay đơn giản.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tự động hóa là một xu hướng tất yếu của thế giới, không thể đi ngược xu hướng đó, vì vậy, DN, người lao động cần phải tiếp nhận xu hướng này bằng cách nâng cao các kỹ năng để có thể điều khiển và tương tác, làm việc hiệu quả cùng với máy móc tự động hóa.