Sáng nay, 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo Đại hội.
Nêu lên những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh..., Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa 20 trình Đại hội (do Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải trình bày) đồng thời cho biết trong 5 năm qua tỉnh Thái Bình vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực, địa bàn.
Trong đó, công tác xây dựng Đảng có lúc, có nơi thực hiện chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, nhất là lãnh đạo về kinh tế. Công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa tốt. Vẫn còn cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung và đối với Nhân dân.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số địa phương, đơn vị chưa cao; một số cuộc vận động, phong trào thi đua hiệu quả đạt được còn thấp.
Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp huyện, cấp xã có mặt còn hạn chế. Chất lượng tham mưu, trách nhiệm thực thi công vụ ở một số sở, ngành, địa phương chưa cao. Đạo đức công vụ, ý thức nghề nghiệp của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu.
Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chưa cao. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với khu vực và cả nước.
Nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa tạo dựng được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và giá trị kinh tế cao; phương thức sản xuất còn lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, còn hiện tượng người dân bỏ ruộng không canh tác.
Sản xuất công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nặng về gia công và sản phẩm thông thường, giá trị gia tăng không cao, công nghệ, thiết bị chậm được đổi mới; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, có giá trị gia tăng và công nghệ cao. Một số loại hình dịch vụ phát triển chậm. Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Theo Báo cáo, nhiệm kỳ mới Đảng bộ Thái Bình xác định 20 chỉ tiêu phấn đấu cho giai đoạn 2021-2025; đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 9 nhiệm vụ giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội; 3 nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm quốc phòng - an ninh, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá.
Theo Báo cáo, tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm (2016-2020) của tỉnh Thái Bình ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm). Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cao gấp gần 2 lần giai đoạn 2011-2015. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tốt, cả về số lượng dự án và vốn đầu tư. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với năm 2015.
Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội 19.
Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân 15,2%/năm.
Nhiệm kỳ qua, nhiều công trình giao thông quan trọng được tỉnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, tăng cường khả năng kết nối Thái Bình với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư đầu tư vào Khu kinh tế này.
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn trên 2%.