Mặc dù tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng nhiều biện pháp nhưng đến nay tỉnh Thái Bình, nơi hiện có gần 7.500 gia trại và 75.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa thể khống chế được dịch tả lợn châu Phi...
Trạm kiểm soát dịch tả lợn được lập lên ở nhiều điểm trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Hơn 37 tấn lợn bị tiêu hủy
Chiều ngày 1/3, thông tin với PV Đại Đoàn Kết, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, trong mấy ngày gần đây dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh thêm tại 4 xã trên địa bàn tỉnh...
Cụ thể, sau xã Đông Đô (Hưng Hà), Lô Giang (Đông Hưng), từ ngày 26/2 đến nay dịch tiếp tục bùng phát tại các xã Tây Đô, Duyên Hà (Hưng Hà), Dục An, Đông Hải (Quỳnh Phụ).
Đến 16h ngày 28/2, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy tổng cộng 613 con lợn các loại của 54 hộ chăn nuôi ở 19 thôn, 6 xã thuộc 3 huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ. Tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 37.245 kg.
Phun, rải gần 18 tấn hóa chất, lập hơn 50 chốt kiểm soát
Để “khoanh vùng, dập dịch”, tỉnh đã lập tổng cộng 50 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các xã có dịch và vùng bị uy hiếp. Hàng ngày thực hiện việc rắc vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Trong đó, 17,9 tấn hóa chất, hơn 402 tấn vôi bột đã được tỉnh sử dụng phun, rải tại địa bàn có dịch và vùng bị uy hiếp.
Nhằm ngăn chặn mầm dịch phát sinh ra từ tỉnh Thái Bình, lây lan từ các tỉnh ngoài vào, trong chiều ngày 1/3, tỉnh cho lập chốt kiểm soát tại cầu Tân Đệ, cửa ngõ nối với tỉnh Nam Định. Trước đó, tỉnh đã cho lập 4 chốt kiểm soát tại Cầu Nghìn, Cầu Hiệp (huyện Quỳnh Phụ); lập các chốt tại Triều Dương, La Tiến (Hưng Hà) nhằm kiểm soát dịch bệnh từ phía các tỉnh thành Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng...
Ngoài hệ thống loa truyền thanh, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện in tờ rơi, sử dụng xe lưu động để thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch...
Tại Thái Bình, số lợn mắc dịch phải tiêu hủy đang không ngừng tăng lên.
Hộ chăn nuôi hoang mang, lo lắng
Trong bối cảnh dịch tả lợn bùng phát trên địa bàn, qua tìm hiểu của PV, các hộ chăn nuôi ở tỉnh Thái Bình đều đang chung tâm trạng lo lắng. Ông Đặng Văn Thắng (xóm 9, thôn Phú Nông-xã Lô Giang-huyện Đông Hưng) - một trong những hộ có lợn phải tiêu hủy cho biết, ngoài lợn thịt số lợn bị tiêu hủy có rất nhiều con là lợn nái, lợn giống, giá một con lợn lái khoảng 15-20 triệu đồng, lợn giống 1,5-2 triệu đồng/con. “Dù có được hỗ trợ thì cũng không bù đắp đủ thiệt hại của chúng tôi trong đợt dịch này”, ông Thắng nhìn nhận.
Các hộ chưa có lợn mắc dịch thì lo từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh giá bán lợn thịt, lợn giống đều giảm, không xuất bán được trong khi vẫn phải chi phí thức ăn và các chi phí khác. Trong khi đó, qua tìm hiểu của PV, không kể những trang trại lớn, toàn tỉnh Thái Bình hiện có gần 7.500 gia trại và 75.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; số lượng lợn đang được nuôi của tỉnh rất lớn.
Phía Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cũng “than thở” rằng, hiện tại dịch đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành, do vậy những ngày gần đây sự hỗ trợ của Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng 2 với tỉnh trong việc lấy mẫu xác minh dịch gặp khó khan, chi phí xét nghiệm mẫu cũng lớn, với giá 550.000 đồng/mẫu...
Lợn chết trôi sông
Đáng nói là, mặc dù được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát, song theo tìm hiểu của PV, kể từ khi xuất hiện dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn có những hành vi vi phạm các quy định phòng chống dịch. Trong đó, ngay những ngày dịch đã bùng phát, tại xã Đông Đô vẫn có tới 32 con lợn được vận chuyển qua đây, vi phạm các quy định phòng, chống dịch...
Thông tin với báo chí, ông Lê Xuân Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn (Hưng Hà) còn cho biết từ ngày 17/2 đến nay, ngày nào lực lượng chức năng của xã cũng thu vớt được lợn chết người dân vứt trên sông Tà Sa, đoạn qua địa bàn xã, có ngày vớt xử lý chôn lấp tới gần 20 con lợn chết. Nguy cơ phát tán, lây lan dịch tả lợn ở Thái Bình do vậy vẫn rất cao...
Rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng - 2 biện pháp dập dịch đang được tỉnh Thái Bình tích cực áp dụng.