Sau 26 năm lẩn trốn tội tham ô, nữ cán bộ ngân hàng nay tóc đã muối tiêu bị bắt giữ khi về Thái Bình thăm cháu.
Ngày 26/6, thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, chiều hôm trước PC03 tỉnh này vừa bắt giữ được Phạm Thị Hương, nguyên thủ quỹ, thủ kho, nhân viên bán hàng tại cửa hàng vàng bạc thuộc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy, phạm tội tham ô, bỏ trốn và bị truy nã từ năm 1996.
Hồ sơ vụ việc thể hiện gần 30 năm trước, Hương cùng nhóm cán bộ công tác tại cửa hàng vàng bạc thuộc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi, tham ô.
Cụ thể, cửa hàng được thành lập năm 1989 có nhiệm vụ gia công chế doanh vàng bạc, cho vay cầm đồ theo quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cửa hàng do Đỗ Thế Lam làm cửa hàng trưởng kiêm công tác tín dụng; Lê Thị An, cửa hàng phó kiêm kế toán; Phạm Thị Hương, thủ quỹ kiêm thủ kho và nhân viên bán hàng; Hoàng Kim Giang, thợ kim hoàn kiêm giám định kỹ thuật.
Từ tháng 8/1995, việc hạch toán nghiệp vụ cho vay và kinh doanh được thực hiện tại cửa hàng, các chứng từ cho vay không phải qua kiểm soát của kế toán ngân hàng huyện, cửa hàng lưu trữ sổ sách chứng từ kế toán, hàng ngày chỉ gửi báo cáo về kế toán ngân hàng huyện, cuối tháng gửi báo cáo về ngân hàng huyện và tỉnh để theo dõi.
Lợi dụng kẽ hở này, với mục đích chiếm đoạt tài sản, các đối tượng trên đã lập khống chứng từ, hồ sơ, vi phạm việc quản lý tài sản do khách hàng thế chấp.
Ngày 20/8/1996, Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy phát hiện Đỗ Thế Lam, Lê Thị An, Phạm Thị Hương bỏ trốn khỏi cửa hàng.
Qua kiểm kê bước đầu, Ngân hàng phát hiện số tiền mặt tại quỹ và 69 chỉ vàng bị mất nên đã báo Công an huyện Thái Thụy.
Ngày 21/8/1996, Công an huyện Thái Thụy đã khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 1985 xảy ra tại cửa hàng vàng bạc thuộc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy.
Khởi tố bị can đối với Hoàng Kim Giang (sinh năm 1960, khi đó trú tại khu tập thể Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy) tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định theo Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 1985;
Khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hương (sinh năm 1965, khi đó trú tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 174 và tội "Tham ô tài sản" theo Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1985;
Khởi tố bị can đối với Lê Thị An (sinh năm 1960, khi đó trú xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là cửa hàng phó kiêm kế toán về tội "Tham ô tài sản" theo Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1985.
Căn cứ chứng từ sổ sách lưu giữ, cơ quan chức năng xác định tổng số số tiền, hàng hoá tại cửa hàng bị chiếm đoạt là 7,056 tỷ đồng.
Đáng nói, trước khi bị khởi tố, Phạm Thị Hương đã bỏ trốn khỏi địa phương. 5 ngày sau sau khi khởi tố Hương, ngày 26/8/1996, Công an tỉnh Thái Bình phát lệnh truy nã người này.
26 năm sau, Hương bị bắt tại khu vực cầu Tân Đệ (nối Nam Định với Thái Bình) khi người đàn bà nay đã 57 tuổi từ Đà Nẵng về quê thăm cháu. Bước đầu Hương khai, trước đó mình lẩn trốn, sinh sống tại nhiều địa điểm ở TP Đà Nẵng.
* Hôm 28/5, Công an tỉnh Thái Bình cũng bắt giữ được Nguyễn Đặng Ngân, nguyên cán bộ tài chính xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, phạm tội tham ô sau 25 năm người này trốn truy nã ở tỉnh Lâm Đồng.