Hiện Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước và nghề trồng chè, chế biến chè thực sự trở thành nghề truyền thống gắn bó, đem lại cuộc sống ổn định cho bà con vùng đất này.
Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng dự án riêng về phát triển cây chè với mức đầu tư trong 3 năm qua hơn 80 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ việc quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè an toàn, đầu tư cho thay thế giống... Tuy vậy, diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP còn thấp. Hiện toàn tỉnh mới có trên 350ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. |
Ông Phạm Văn Sỹ - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên cho biế: Hiện nay, diện tích chè đặc sản trong xã đã phát triển lên hơn 300ha; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chè lớn trong xã như Tiến Yên, Thắng Hường, Hảo Đạt... có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ chế biến và kinh doanh chè đặc sản. Nhờ cây chè đặc sản nên nhiều năm nay, Tân Cương không còn hộ nghèo.
Thường thì thu nhập từ cây chè cho giá trị bình quân trên 120 triệu đồng/ha/năm và hiện ở xã này có tới hơn 200 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên nhờ cây chè. Năm nay, Tân Cương đã đạt chuẩn xã nông thôn mới có sự đóng góp rất lớn từ cây chè.
Để phát huy tiềm năng thế mạnh về cây chè đặc sản, thành phố Thái Nguyên đã quy hoạch, mở rộng vùng chè Tân Cương gồm các xã phía Tây như Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân với tổng diện tích khoảng 1.300 ha chè; trong đó chè kinh doanh hơn 1.000 ha, sản lượng trung bình khoảng 14.000 tấn/năm, cho giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng.
Tại huyện Đại Từ, nông dân các xã chuyên canh cây chè như Hùng Sơn, La Bằng, Phú Thịnh, Phú Xuyên... đã nâng diện tích chè lên hơn 5.400ha, chủ yếu là các giống chè mới, chất lượng cao, cho sản lượng gần 50.000 tấn/năm, giá trị thu nhập đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm.
Từ nghề làm chè, tỉnh đã có hơn 30 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu chè, hơn 80 làng nghề sản xuất, chế biến chè được công nhận và 23 Hợp tác xã sản xuất chè. Tuy có tới hơn 80% sản lượng chè chế biến thủ công truyền thống nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm, các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu chè đạt hơn 10 triệu USD.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên, đến hết năm 2014, tổng diện tích chè toàn tỉnh là hơn 20.700 ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 17.618ha với năng suất bình quân đạt 109,4 tạ/ha, tăng 2,9 tạ/ha so với cùng kỳ; sản lượng chè búp tươi 192.700 tấn; diện tích chè trồng mới và trồng lại trên 1.700ha.
Nhờ đẩy mạnh chương trình cải tạo vườn chè, giống chè, đến năm 2014, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 11.600ha chè giống mới, chất lượng cao, chiếm 56,4% so với tổng diện tích chè toàn tỉnh, giá trị sản phẩm của cây chè theo giá hiện hành ước đạt 1.800 tỷ đồng, chiếm 27% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt và chiếm 14% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Điều đáng mừng hơn, do việc quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên được đẩy mạnh, giá chè ở Thái Nguyên trong 2 năm qua luôn ổn định, trung bình từ 150.000-300.000 đ/kg chè búp khô tùy theo thời vụ và vùng sản xuất.
Một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ) Trại Cài (Minh Lập, Đồng Hỷ), Tức Tranh (Phú Lương)... đã sản xuất một số sản phẩm chè cao cấp có giá trị cao với mức giá từ 600.000-2.500.000 đồng/kg chè búp khô, được thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Gíá trị cây chè nâng cao, đời sống bà con được nâng lên
Trong mục tiêu phát triển cây chè đến năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa năng suất chè búp tươi đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt 200.000 tấn chè búp tươi/năm; 100% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP)...
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng dự án riêng về phát triển cây chè với mức đầu tư trong 3 năm qua hơn 80 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ việc quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè an toàn, đầu tư cho thay thế giống...
Cùng với sự hưởng ứng tích cực và nguồn vốn tự đầu tư của người làm chè, đến thời điểm này, nhiều mục tiêu của dự án phát triển cây chè đã cơ bản hoàn thành.
Tuy vậy, thực tế việc phát triển cây chè ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP còn thấp. Hiện toàn tỉnh mới có trên 350ha chè được cấp chứng nhận VietGAP.
Việc đầu tư phát triển cây chè, nghề làm chè phần lớn mang tính tự phát, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất. Nhằm khắc phục những hạn chế này, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp theo hướng tăng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc quan trọng nhất đó là quy hoạch vùng sản xuất chè nguyên liệu an toàn đến năm 2020 gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ chè Thái Nguyên.