Thái Nguyên: Nghiên cứu Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường theo hướng nâng cao trách nhiệm

H.S 08/11/2023 17:00

Ngày 8/11, Hội nghị giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017 - 2022 đối với UBND tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra với nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của ông Phạm Hoàng Sơn (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên) và các lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành, địa phương liên quan.

Thông tin tại Hội nghị được biết, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên đã xem xét, lựa chọn giám sát đối với 15/23 nội dung, lĩnh vực liên quan và tổ chức giám sát, khảo sát, làm việc trực tiếp với UBND các huyện, thành phố, 8 cơ quan, đơn vị và một số làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giám sát thông qua báo cáo đối với một số cơ quan, đơn vị.

Giai đoạn 2017 - 2022, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện và đạt một số kết quả nhất định, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường; môi trường đất, nước, không khí dần được cải thiện; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được quan tâm đầu tư; các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể; một số điểm ô nhiễm môi trường được quan tâm chỉ đạo xử lý; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh gắn liền với công tác chuyển đổi số; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến bảo vệ môi trường được tăng cường, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Qua đó, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã trao đổi, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đối với những nội dung, lĩnh vực cụ thể, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp; bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư; bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế; công tác quản lý chất thải, nước thải, bụi, khí thải; công tác quan trắc môi trường; công tác cấp phép môi trường; rà soát tính thống nhất của số liệu ghi trong báo cáo.

Đại diện UBND tỉnh Thái nguyên cũng cho biết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức, hướng đến nhiều đối tượng; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được quan tâm đầu tư. Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể; một số điểm ô nhiễm môi trường được quan tâm chỉ đạo xử lý. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường cũng đã được đẩy mạnh, gắn liền với chuyển đổi số. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên – ông Phạm Hồng Sơn đã đưa ý kiến đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đối với từng lĩnh vực cụ thể. Nghiên cứu ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý nhà nước về môi trường; sớm xây dựng, ban hành các quyết định, quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kịp thời sàng lọc, loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy chuẩn, không đảm bảo quỹ đất xây dựng công trình xử lý chất thải; khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường bằng các chính sách phù hợp để mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; phân bổ chi tiết, sử dụng tập trung, hiệu quả, đúng mục đích, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

Qua đó, ông Sơn cũng đề nghị Đoàn giám sát của HĐND tỉnh trao đổi, thống nhất về một số nội dung với UBND tỉnh để có kết quả đánh giá chính xác, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Nguyên: Nghiên cứu Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường theo hướng nâng cao trách nhiệm