Thảm cảnh di cư bên bờ biển Ai Cập

Linh Chi 26/07/2015 11:10

Vùng bờ biển của Ai Cập nhìn ra biển Địa Trung Hải luôn tụ tập nhiều gia đình muốn đưa con em của họ đến châu Âu với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đa phần những đứa trẻ đó sẽ lên những con tàu buôn người đến Italy, đối mặt với đầy rẫy hiểm họa trên biển.

Người di cư chen chúc nhau đến miền đất hứa châu Âu (Nguồn: Guardian).

Tuồn người sang châu Âu dường như đã trở thành một nghề ở dọc vùng biển Ai Cập khi dòng người từ các nước lân cận đổ dồn về đây để tìm cách vượt biển sang châu Âu, gây nên một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng thấy mà lục địa già đang phải đối mặt. Đa phần những tay buôn người trước đây đều là ngư dân, nhưng đã chuyển sang lái tàu chở người thuê cho các băng đảng buôn người do có lợi nhuận hơn rất nhiều.

“Chính phủ có làm gì cho chúng tôi đâu? Chúng tôi chỉ là ngư dân, nhưng bây giờ chả còn gì để đánh bắt nữa cả” - CNN dẫn lời một chủ tàu chở người, nói.

Ngôi làng ven biển Burj Mughayzil của Ai Cập từ lâu đã được gọi là một làng buôn người. Theo tính toán của chính quyền, đã có khoảng 2.000 người - chủ yếu là thanh niên và trẻ em - đã tìm đến nơi này. Nhiều người trong số đó mới chỉ 11-12 tuổi khi quyết định theo đuổi “giấc mơ châu Âu” của mình, thế nhưng rất nhiều người đã nhanh chóng vỡ mộng khi bị giam giữ trong các nhà tù của Italy, hoặc thiệt mạng khi đang vượt biển Địa Trung Hải.

Đa phần các con tàu chở người này đều có một tuyến đường chính là vượt qua biển Địa Trung Hải, bất chấp rủi ro, đến cảng Sicily của Italy, sau đó tìm cách đến được thủ đô Rome, nơi mà những người di cư thường là nạn nhân của vòng xoáy ma túy và mại dâm. Hàng nghìn trẻ em đang liều mạng để đến châu Âu, trở thành con mồi cho các tay buôn người, với hy vọng rằng sẽ có tương lai tốt hơn cho mình và gia đình.

“Chúng tôi vận hành các con tàu. Tôi cùng đội ngũ khoảng 15 người. Nếu như chính phủ (Ai Cập) hỗ trợ chúng tôi thì chúng tôi đã không phải vượt biên như thế này” – CNN dẫn lời thuyền trưởng một tàu buôn người, nói.

Hành trình vượt Địa Trung Hải đến Sicily có thể mất đến 9 ngày lênh đênh trên biển. Chính phủ Ai Cập cho biết họ đã tăng cường kiểm tra dọc các bờ biển nước mình nhưng các tay buôn người vẫn tìm ra cách lách luật để vận hành các con tàu.

Đôi lúc, những kẻ buôn người còn nhồi nhét hơn 20 thiếu niên lên một con tàu đánh cá loại nhỏ có một động cơ, bởi vậy các con tàu loại này thường lênh đênh trên biển và chờ một con tàu buôn người lớn hơn - có khả năng chứa 600 người - để chuyển người lên đó.

“Chúng tôi biết vận hành loại tàu như thế này vượt biển là rất rủi ro cho mọi người và cả chúng tôi. Chúng tôi có thể bị tuyên án tù lên đến 25 năm hoặc bị xử tử nếu như xảy ra chuyện gì” - một thuyền trưởng tàu buôn người tên Mahmoud nói.

Giới chức Liên minh châu Âu (EU), trong cuộc họp tại Brussels hôm 20-7 nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng di cư, đã đề xuất rằng các nước thành viên nước thành viên có thể thảo luận kế hoạch tiếp nhận 20.000 người từ các nước bất ổn như Syria hay đang ở các trại tị nạn trung gian ở Lebanon và Jordan. Tuy nhiên đề xuất này vẫn chưa được chính phủ các nước chấp nhận.

Theo chính quyền Italy, nếu như một tàu chở người di cư trái phép kiểu này bị bắt giữ trên vùng biển nước họ, chủ tàu sẽ bị bắt giam và trả khoản tiền phạt lên đến 17.000 USD cho mỗi người trên tàu. Vì vậy, tổng số tiền phạt có thể lên đến hàng triệu USD đối với một tàu buôn người cỡ lớn.

Rất nhiều gia đình gửi con em lên các chuyến tàu chết chóc này khẳng định rằng tự bản thân chúng muốn đến châu Âu. Tuy nhiên, những thiếu niên may mắn cập bến cảng Sicily của Italy, khi được hỏi, nói rằng gia đình họ muốn họ có cơ hội làm việc ở châu Âu để gửi tiền về nhà. Nhiều trẻ em khác còn thú nhận rằng châu Âu chính là nơi có thể kiếm tiền nhanh nhất cho gia đìnhm nhưng không hề hay biết rằng chúng đã ở trên tàu của các băng đảng buôn người.

Một số trẻ em khác thì cho biết đã bị các nhóm buôn người đánh lừa bởi các viễn cảnh tươi đẹp khi đến châu Âu. Chính quyền ở cả Ai Cập và Italy đều tỏ ra rất rõ ràng về vấn đề này khi nói rằng chính các bậc cha mẹ mới là người có lỗi vì đẩy con em mình vào những chuyến đi đầy nguy hiểm như vậy.

Theo thuyền trưởng Mahmoud, một trong số các thuyền trưởng được các nhóm buôn người thuê để chở người xuyên Địa Trung Hải, các tàu buôn thường rời bến vào lúc trời chập tối. Những người như Mahmoud, buộc phải làm tay sai cho băng đảng buôn người để kiếm sống, cũng luôn phải đối mặt với khả năng bị chính quyền bắt giữ. Được biết mỗi chuyến tàu như vậy, Mahmoud cùng mỗi thành viên thủy thủ đoàn được băng đảng buôn người trả 10.000 Bảng Ai Cập (khoảng 1.300 USD), số tiền đủ để nuôi sống gia đình họ trong một tháng.

Trẻ em tham gia các chuyến tàu buôn người này chủ yếu đến Syria, nơi đang có chiến sự, và một số nước Bắc Phi khác. Ngoài ra, chính quyền Ai Cập cho biết trẻ em nước họ cũng đang đổ dồn về bờ biển với hy vọng được sang châu Âu kiếm tiền. Theo ước tính của phía Italy, đã có hàng nghìn trẻ em vượt biển trên các con tàu buôn người đến nước họ, lợi dụng luật pháp Italy bảo vệ những người dưới 18 tuổi mà không có người đi kèm.

Kể từ đầu năm đến nay ước tính có khoảng 150.000 người nhập cư đã tìm đến châu Âu thông qua con đường Địa Trung Hải và phần lớn trong số này cập bến ở Italy và Hy Lạp. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết, trong số này có hơn 1900 người nhập cư đã bỏ mạng trên Địa Trung Hải, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảm cảnh di cư bên bờ biển Ai Cập