Đô đốc Michael Gilday thừa nhận biết, Hải quân Mỹ đã “nhồi nhét” quá nhiều công nghệ mới trên siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford và đây có thể là nguyên nhân khiến con tàu gặp nhiều vấn đề.
Đầu tháng này, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ đã thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm chịu sốc. Cuộc thử nghiệm thứ 3 và cũng là cuối cùng với khối thuốc nổ 18 tấn được kích nổ gần tàu đã không gây ra sự cố đáng kể nào.
“Chúng tôi không gặp phải những sự cố thảm họa nào trên tàu, không có sự cố ngập nước hay hỏa hoạn. Mọi thứ đều rất suôn sẻ”, Hạm trưởng Paul Lanzilotta, chỉ huy tàu Ford cho biết.
Các cuộc thử nghiệm chống sốc là mốc quan trọng mới nhất đối với siêu tàu sân bay đã phải chật vật nhiều năm với các lần trì hoãn triển khai và đội phí – những thất bại một phần do có quá nhiều công nghệ mới được sử dụng trên tàu.
Trong khi đó, Đô đốc Michael Gilday, người phụ trách các chiến dịch hải quân thừa nhận, Hải quân Mỹ đã quá tham vọng với các công nghệ mới trên tàu sân bay Ford.
“Chúng tôi có tới 23 công nghệ mới trên một con tàu, và thẳng thắn mà nói, điều đó làm gia tăng rủi ro đối với việc bàn giao đúng hạn và làm tăng chi phí so với kế hoạch ban đầu. Lẽ ra không nên sử dụng nhiều hơn 1-2 công nghệ mới đối với bất cứ nền tảng phức tạp nào như tàu sân bay đảm bảo mọi rủi ro đều nằm trong tầm kiểm soát”, ông Gilday nói.
Các công nghệ mới…
Tàu lớp Ford là giải pháp nhằm hiện đại hóa các chiến dịch tàu sân bay của Mỹ trong kỷ nguyên mới, và 23 công nghệ mới giúp tàu lớp Ford có nhiều cải tiến so với tàu lớp Nimitz tiền nhiệm, trong đó có khả năng vận hành nhanh hơn với thủy thủ đoàn số lượng ít hơn.
Tàu sân bay lớp Ford có một số trang bị mới đáng chú ý nhất là Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) và Hệ thống hãm đà tiên tiến (AAG).
Trong khi 4 hệ thống phóng máy bay trên tàu lớp Nimitz chạy bằng hơi nước, các EMALS trên tàu lớp Ford sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính. EMALS mới hiệu quả hơn so với hệ thống chạy bằng hơi nước và triển khai máy bay cánh cố định êm hơn và nhanh hơn.
Hệ thống hãm đà tiên tiến (AAG) của tàu sân bay Ford cũng có những lợi thế so với phiên bản trên tàu lớp Nimitz. Là một hệ thống tuabin điện, AAG có bộ kiểm soát kỹ thuật số có khả năng tự chẩn đoán và gửi cảnh báo, giúp tiết kiệm sức người và thời gian để bảo trì.
AAG mới có thể kiểm soát sức nặng của nhiều loại máy bay hơn và cùng với EMALS, cho phép các tàu sân bay của Hải quân Mỹ trở thành nền tảng triển khai và hạ cánh đáng tin cậy đối với cả máy bay có người lái và không người lái.
Tàu Ford cũng có hệ thống thang nâng mới, được thiết kế rộng hơn, có thể triển khai các loại vũ khí thông minh, phức tạp hơn. Ford có tất cả 11 thang nâng được chế tạo đặc biệt và đặt bên trong thân tàu nhằm giảm thời gian để đưa vũ khí từ kho đạn lên boong.
Hệ thống DBR trên tàu sân bay Ford có khả năng vận hành song song trên 2 dải tần. Không giống như hệ thống radar trên tàu lớp Nimitz, DBR không có ăngten xoay, giúp tăng độ tin cậy và khiến việc bảo trì trở nên dễ dàng hơn.
Quan trọng hơn cả, tàu Ford có 2 lò phản ứng hạt nhân mới A1B có khả năng tạo nhiều năng lượng gấp 3 lần so với lò phản ứng A4W trên tàu lớp Nimitz.
… đi kèm với các vấn đề mới
Các hệ thống mới làm tăng khả năng của tàu lớp Ford và giảm số thủy thủ đoàn cần thiết để vận hành – chỉ khoảng 4.500 người so với 5.000 người trên tàu sân bay lớp Nimitz.
Tuy nhiên, các công nghệ mới cũng có không ít vấn đề. Ví dụ với EMALS liên tục xảy ra sự cố và AAG bị hỏng nhiều lần.
Một AAG bị hỏng cần 7 ngày để sửa chữa, trong khi 2 lỗi riêng biệt cùng xảy ra trên EMALS cũng khiến nó không thể hoạt động trong 3 ngày.
Vấn đề lớn nhất có thể nằm ở hệ thống thang nâng, vốn đã tồn tại từ năm 2018. Các trục trặc ở thang nâng đã khiến tàu Ford bị trì hoãn lần triển khai đầu tiên theo kế hoạch và con tàu phải tiến hành các cuộc thử nghiệm chịu sốc mà không có tất cả thang nâng. Hải quân cho biết, 11 thang nâng sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2021.
Hệ thống radar DBR cũng có một số vấn đề và kế hoạch đưa hệ thống này vào tàu sân bay lớp Ford đã vấp phải nhiều tranh cãi năm 2015 do chi phí bảo dưỡng và sửa chữa cao hơn so với các lựa chọn khác.
Theo Đô đốc Gilday, các vấn đề như vậy có thể được giải quyết nếu Hải quân Mỹ tiến hành đã thử nghiệm trên bộ từ trước đối với các công nghệ mới.
“Một trong số các bài học từ chương trình Ford là tầm quan trọng của các thử nghiệm trên đất liền đối với các hệ thống mới trước khi đưa chúng vào con tàu”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh vấn đề thang nâng là một ví dụ điển hình.
Tàu Ford cũng là “nạn nhân” của việc trì hoãn triển khai chương trình F-35C, phiên bản triển khai trên tàu sân bay. Hiện F-35C chỉ hoạt động trên 1 trong số 11 tàu sân bay của Hải quân Mỹ, tàu USS Carl Vinson.
Vẫn là tàu sân bay uy lực nhất của Hải quân Mỹ
Bất chấp những khuyết điểm, tàu USS Gerald Ford vẫn là tàu sân bay uy lực nhất của Hải quân Mỹ.
Chuẩn đô đốc James Downey, người đứng đầu chương trình tàu sân bay của Hải quân Mỹ cho biết, dự án tàu sân bay Ford vẫn đang “nằm trong phạm vi dự kiến” và các quan chức Hải quân đang hy vọng sẽ triển khai tàu này vào năm 2022.
Ngoài những chỉnh sửa về thang nâng, hệ thống EMALS và AAG cũng đã được cải thiện.
Các vấn đề của tàu USS Gerald R. Ford cũng là bài học cho ba tàu sân bay lớp Ford tiếp theo: USS John F. Kennedy, USS Enterprise và USS Doris Miller, dự kiến được bàn giao lần lượt vào các năm 2024, 2028 và 2032.
Đô đốc Gilday cũng cho biết, tàu USS Gerald R. Ford đã dành hơn nửa năm qua trên biển.
“Trong năm qua, con tàu đã có nhiều thời gian hoạt động hơn gần như tất cả các tàu khác trong hạm đội và nó hoạt động rất. Chúng tôi đã cố gắng đưa tàu Ford vào một môi trường hoạt động có thể thể kiểm tra nghiêm ngặt tất cả các hệ thống và mọi việc đều đang diễn ra suôn sẻ”, ông Gilday cho biết./.