Quý Mão 2023 là Tết Nguyên đán đáng nhớ với nhiều người vì vừa trải qua nhiều năm khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.
Về quê ăn Tết sau một hoặc nhiều năm làm việc, học tập nơi xứ xa luôn là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của tất cả mọi người. Đặc biệt, với nhiều người Quý Mão 2023 là cái Tết hạnh phúc và trọn vẹn hơn cả, bởi lẽ họ vừa trải qua nhiều năm khó khăn vì dịch bệnh.
Khác mọi năm, anh Trần Dũng (35 tuổi, quê ở Gio Linh, Quảng Trị) về quê ăn Tết sớm hơn cả. “Năm nay, tôi và vợ con về quê ăn Tết từ 20/12 (âm lịch) và dự tính ra Tết khoảng mùng 8 mới vào Nam làm việc trở lại. Năm nay tôi muốn ở nhà lâu hơn để bù cho những năm trước không về được”, anh Dũng nói.
Qua trò chuyện với anh Dũng, được biết, hiện anh đã lập gia đình và đang làm việc, sinh sống tại một tỉnh phía Nam. Những năm 2021, 2022 tại đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 khiến anh Dũng cũng như bao người bị suy kiệt về kinh tế; đồng thời, việc đi lại bị hạn chế nên những năm qua anh không thể về quê ăn Tết.
“Nhớ nhà, nhớ quê vô cùng. Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở các tỉnh phía Nam, chúng tôi không chỉ bị ảnh hưởng về kinh tế mà còn hết sức lo lắng vì sức khỏe. Đây không phải là lần đầu tiên tôi về quê ăn Tết nhưng trải qua những khó khăn năm nay cảm xúc về quê ăn Tết của tôi và gia đình háo hức hơn nhiều. Cũng nhờ những khó khăn giúp tôi càng thấm thía hơn thế nào là Tết đoàn viên”, người đàn ông 35 tuổi này chia sẻ.
“Một chốn 3 quê”, chị Đặng Thị Thảo (29 tuổi, quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho hay, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, chị nên duyên với chồng (quê ở Quảng Bình) và cả 2 cùng nhau vào TP Đà Nẵng lập nghiệp.
“Những năm 2021, 2022 nhiều lúc tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng cũng “căng như dây đàn” khiến TP phải thực hiện giãn cách, hạn chế hoạt động. Ra trường lập nghiệp chưa được bao lâu đã phải nghỉ việc triền miên khiến kinh tế của vợ chồng tôi bị ảnh hưởng trầm trọng. Cũng may, đến thời điểm này cả gia đình chúng tôi (2 vợ chồng chị Thảo và người con trai nhỏ) đều bình an vô sự. Với tôi giờ đây sức khỏe, bình an mới là thứ có giá trị hơn cả”, chị Thảo chia sẻ.
Cũng theo chị Thảo, trước khi cưới, 2 vợ chồng chị đã thống nhất với nhau rằng, sẽ cân đối để ăn Tết ở cả quê vợ lẫn quê chồng một cách hài hòa. Tuy nhiên, năm nay, chị được chồng “ưu ái” hơn khi cả 2 lựa chọn Quảng Trị là nơi đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“Chẳng được như hồi mới cưới nhau mua thứ này, sắm thứ nọ, gửi quà Tết cho bố mẹ 2 bên. Năm nay, vợ chồng tôi chỉ gửi một ít tiền mặt cho bố mẹ 2 bên sắm Tết. Ban đầu bố mẹ cả 2 nhà đều từ chối hết vì biết vợ chồng tôi đang khó khăn. Năn nỉ mãi ông bà mới nhận cho. Ngày tôi mới về đến nhà, bố mẹ ôm tôi và đã khóc”, chị Thảo xúc động.
Ghi nhận của phóng viên tại bến xe phía Bắc TP Huế vào một ngày cuối năm, người lao động ở các tỉnh đến Huế làm việc, học tập cũng đang tấp nập lên xe về quê ăn Tết. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, tươi tắn. Thỉnh thoảng điện thoại trong số họ lại reo lên.
Và, đa phần khi bắt máy lên họ đều nói những nội dung xoay quanh chuyện lên xe về quê ăn Tết như: “Anh/con/em đang ở bến xe rồi!”, “Xe chuẩn bị xuất bến rồi!”, “Mai sáng là về tới nhà!”, “Mai gặp nhau ở nhà nhé!” …
Nhiều người khác ở các tỉnh lân cận với Thừa Thiên - Huế như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng… đã lựa chọn cách lái xe máy về quê ăn Tết. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhi (quê ở Quảng Trị, hiện đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế), anh Hồ Ngọc Thắng (quê ở Quảng Bình, hiện đang làm nghề gia sư ở TP Huế)… cho biết, đi xe máy cũng vất vả nhưng bù lại họ chủ động hơn về thời gian, đồng thời, về quê sẽ có phương tiện để di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán.
Mỗi người lựa chọn một cách thức, một loại phương tiện để di chuyển về quê ăn Tết; thời gian đi lại, vị trí nhà ở của mỗi người một khác… nhưng tất cả những người về quê ăn Tết ai cũng toát lên vẻ tươi vui, háo hức khi nghĩ về ngày Tết được đoàn viên bên gia đình của mình.