Kinh tế

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp nhận diện những thách thức

H.Hương 29/06/2024 13:53

Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn lớn lựa chọn là điểm đến đầu tư chiến lược. Nếu doanh nghiệp Việt Nam biết khai thác lợi thế sẽ gia tăng được giá trị xuất khẩu.

anhbaitren(1).jpg
Số doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn khiêm tốn. Ảnh: Quang Vinh.

Tận dụng sự dịch chuyển

Ông Eric Broussard - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon cho biết, Amazon muốn tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý do là vì chiến lược của Amazon là luôn hướng tới khách hàng bằng cách mang đến nhiều sự lựa chọn sản phẩm nhất cho họ. Càng nhiều lựa chọn, khách hàng càng có nhiều sự cân nhắc và từ đó, họ càng được hưởng nhiều lợi ích hơn. Việt Nam sẽ góp phần mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn cho hàng trăm triệu khách hàng của Amazon trên toàn cầu.

Chưa hết, mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai, cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp (DN) chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, trong khoảng 800.000 DN tư nhân đang hoạt động thì số DN lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa không cao...

Bộ Công thương cũng đưa ra con số, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia chuỗi cung ứng. Mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các DN công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) chia sẻ: Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối trong môi trường nền kinh tế đang phân cực toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế và DN.

Cụ thể, vốn đầu tư mới từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng từ khoảng 2,3 tỷ USD năm 2019 lên 3,5 tỷ USD vào năm 2023...

"Việt Nam đang có vị thế đặc biệt và cơ hội lớn kết nối với các xu thế phân cực cũng như kết nối được với các cực. Cùng với dòng vốn từ Trung Quốc đang tăng, dòng vốn từ các nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian qua. Nhìn từ góc độ nền kinh tế Việt Nam, không có sự phân cực nào" - TS Nguyễn Tú Anh nhận định.

Nhìn nhận đây là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ đang quyết tâm tập trung cao độ trong việc giải quyết các "nút cổ chai" của nền kinh tế, đó chính là kết cấu hạ tầng. Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang dồn vốn đầu tư công để nâng cấp kết cấu hạ tầng, cảng biển, đường cao tốc kết nối trực tiếp. Khi các “nút cổ chai” được tháo gỡ, tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ được mở rộng.

Nỗ lực tham gia “cuộc chơi” toàn cầu

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức. Thách thức đầu tiên phải kể đến là thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông.

Thứ hai, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn lớn, nhu cầu năng lượng lớn cần cân nhắc. Thứ ba, kết nối DN trong nước và DN FDI, DN trong nước muốn tham gia và kết nối vào chuỗi cung ứng cần đầu tư vào con người, công nghệ nhưng cần quan tâm đến những rủi ro trong đầu tư khó kiểm soát.

Cuối cùng, gắn liền với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh. Khi đã tham gia vào thị trường chung của thế giới, Việt Nam sẽ không đứng ngoài "cuộc chơi" với yêu cầu cần giảm thiểu "dấu chân" carbon trong sản xuất.

TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các DN. Nhưng những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc…

"Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số điểm nghẽn lớn về thể chế và chính sách hỗ trợ để giúp DN Việt tự tin, vững vàng hơn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính các DN trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa thì cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ DN theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển DN hiện nay" - ông Bình gợi ý.

Còn TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT cho rằng, "xanh hóa" trong sản xuất là chìa khóa để DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. “Yêu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng đang thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà cung cấp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng” - ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, tại Việt Nam, theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.

“Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố quyết định thành công của đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa. Họ là những chủ thể dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm/dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường”- ông Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp nhận diện những thách thức