Chủ tịch UNSCEAR nêu rõ, kể từ báo cáo năm 2013, các nhà khoa học "đã không ghi nhận bất cứ trường hợp nào cho thấy sức khỏe người dân sống tại Fukushima phải chịu những ảnh hưởng xấu trực tiếp."
Báo cáo của các nhà khoa học Liên hợp quốc công bố ngày 9/3 khẳng định thảm họa hạt nhân xảy ra tại tỉnh Fukushima của Nhật Bản năm 2011 không gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe của cư dân địa phương trong suốt 10 năm qua.
Chủ tịch Ủy ban Khoa học về Ảnh hưởng của Phóng xạ Nguyên tử (UNSCEAR) thuộc Liên hợp quốc - bà Gillian Hirth nêu rõ kể từ báo cáo gần đây nhất vào năm 2013, các nhà khoa học "đã không ghi nhận bất cứ trường hợp nào cho thấy sức khỏe của người dân sống tại tỉnh Fukushima phải chịu những ảnh hưởng xấu trực tiếp liên quan tới việc phơi nhiễm phóng xạ từ sự cố nêu trên".
Cơ quan thuộc Liên hợp quốc nhấn mạnh báo cáo mới nhất của các nhà khoa học đã một lần nữa củng cố kết quả nghiên cứu năm 2013 về những ảnh hưởng từ sự cố hạt nhân nhà máy Fukushima Daiichi sau thảm họa kép động đất-sóng thần tại tỉnh Fukushima.
Thảm họa Fukushima là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Ngày 11/3/2011, một trận động đất có độ lớn 9,0 đã gây ra sóng thần quét qua khu vực ven biển phía Đông Bắc Nhật Bản, khiến gần 20.000 người thiệt mạng, 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa và làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Sự cố tại nhà máy điện này đã khiến một lượng lớn chất phóng xạ rò rỉ vào không khí, đất và nước ở khu vực quanh. Hiện Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỷ USD để tái thiết vùng Tohoku bị tàn phá nặng nề sau thảm họa này.
Tuy nhiên, các khu vực quanh nhà máy Fukushima Daiichi vẫn bị giới hạn do lo ngại mức phóng xạ còn cao.
Chỉ 9 trong số 33 lò phản ứng thương mại còn lại của Nhật Bản được phê duyệt để khởi động lại theo các tiêu chuẩn an toàn hậu Fukushima và chỉ 4 lò phản ứng đang hoạt động, so với 54 lò trước thảm họa.