Thăm lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

Tuệ Phương 02/09/2023 06:29

Giữa phố cổ Hà Nội tấp nập, có một địa chỉ mà mỗi lần đặt chân đến, lòng ta lắng lại. Đó là di tích nhà số 48 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm). Nơi này, 78 năm về trước, một sự kiện lịch sử đã diễn ra: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập. Thời gian trôi qua, mọi kỷ vật về Bác vẫn được giữ vẹn nguyên như hôm nào.

Một du khách nước ngoài nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử ngôi nhà 48 Hàng Ngang Nguồn: CAND.

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang

Để chuẩn bị cho Lễ Độc lập, cho việc ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ Cách mạng lâm thời, cuối tháng 8/1945, Trung ương tổ chức đón Bác từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Địa điểm đầu tiên đón Bác là nhà cụ Nguyễn Thị An (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Dừng chân ở nhà cụ An ít ngày, Bác Hồ di chuyển vào nội thành. Mặc dù lúc đó chính quyền đã về tay Cách mạng, nhưng tình hình còn nhiều phức tạp. Quân đội Nhật vẫn đóng tại nhiều vị trí trọng yếu. Vì thế, Trung ương đã lựa chọn một địa điểm thuận tiện nhưng cần phải tuyệt đối an toàn để chuẩn bị cho Lễ Độc lập.

Trung ương quyết định bố trí Bác ở và làm việc tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang của vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô, từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9/1945. Tại đây Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, về tổ chức ngày Lễ Độc lập... Ngôi nhà ông Trịnh Văn Bô được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 với lối kiến trúc hiện đại gồm 4 tầng. Trong đó, tầng 1 là gian hàng bán vải tơ lụa mở ra phố Hàng Ngang, sân nhà kho, nhà để xe ở phía sau, có cổng ra phố Hàng Cân, tầng 2 là phòng khách và phòng ăn, tầng 3, 4 dùng để ở. Ngôi nhà có 2 cổng, cổng chính là số 48 Hàng Ngang, cổng sau là số 35 Hàng Cân. Do đây là ngôi nhà cao tầng nên có thể bao quát được xung quanh, từ trên gác 2, gác 3 có thể bước sang nóc nhà bên cạnh mà không cần phải qua cầu thang, hoặc xuống đường nên khi có động rất dễ di chuyển. Cửa hàng lớn khách ra vào tấp nập cũng thuận tiện cho các đồng chí lãnh đạo Cách mạng ra vào gặp Bác bàn quốc sự.

Lúc đầu, ông bà Trịnh Văn Bô mời Bác ở tại gác 3 làm việc cho yên tĩnh nhưng Bác không thích ở một mình nên Bác chỉ ở đó 2 tối. Sau đó các đồng chí Trung ương đã bố trí cho Bác ở và làm việc trong căn phòng nhỏ thông với phòng khách (thuộc tầng 2). Căn phòng nhỏ có kê một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành có lưng tựa cao bọc vải trắng và một chiếc ghế dài. Chính trong căn phòng này, tranh thủ từng giờ từng phút, Người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Gần 80 năm đã trôi qua, ngôi nhà vẫn được giữ nguyên kiến trúc năm xưa. Riêng tầng 1 ngôi nhà trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác và hiện vật như bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, các di ảnh, đồ vật của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng. Khu tầng 2 - nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương, được giữ nguyên nội thất với những hiện vật đã có. Trong đó, đặt ở giữa là chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, 8 ghế tựa đặt ở hai bên, một ghế lớn ở đầu. Tại chiếc bàn này, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương đã thông qua 3 nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ Lâm thời. Một căn phòng khác trong tầng 2 chính là nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Căn phòng còn có 1 tủ nhỏ, 1 chiếc giường nằm nghỉ. Khi viết xong, Bác tổ chức họp để thông qua Tuyên ngôn Độc lập.

Trưởng Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: “Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội luôn cố gắng gìn giữ mọi hiện vật như khi Bác ở và làm việc tại di tích Nhà 48 phố Hàng Ngang, để nơi đây trở thành địa điểm tham quan, để mọi người hiểu thêm về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Chúng tôi gìn giữ, bảo quản các hiện vật không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn bằng tấm lòng mình đối với Bác”.

Bài học về đại đoàn kết dân tộc

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 này, di tích Nhà 48 Hàng Ngang luôn tấp nập những đoàn khách đến thăm, tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều khiến nhiều người bất ngờ là Bác và Trung ương đã lựa chọn địa điểm dừng chân là gia đình một nhà tư sản. Từ trước Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Khuất Duy Tiến liên hệ và giác ngộ Cách mạng cho gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Không lâu sau đó, cả gia đình tham gia Mặt trận Việt Minh, vì vậy đây là cơ sở tin cậy của Việt Minh ở nội thành Hà Nội. Đặc biệt, việc bảo vệ Bác diễn ra tuyệt đối an toàn dù nơi Bác ở, làm việc là con phố luôn tấp nập người qua lại. Thời gian Bác ở đây, những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, mặc chiếc quần nâu bạc, ngồi trầm ngâm ở đó làm gì và họ cũng không hề biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử trọng đại.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, có những câu chuyện mà nhiều người chưa hiểu hết. Ví dụ như câu chuyện tại sao Bác Hồ lại ở đây? Bác chọn nơi này vì sao? Căn nhà giàu nhất ở phố giàu nhất của Hà Nội, bởi Hồ Chủ tịch tin vào nhân dân. Bác Hồ tin rằng, người giàu cũng có lòng yêu nước. Người nghèo cũng có lòng yêu nước. Ai cũng có lòng yêu nước. Đó chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, súc tích về tiến trình đấu tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc để đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó làm nổi bật sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từng câu, từng chữ trong bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào đều toát lên khí phách của một dân tộc anh hùng, bất khuất, dù phải đương đầu với bất kỳ thử thách nào cũng không cúi đầu cam chịu làm nô lệ. Cơ sở, căn cốt, cội nguồn của khí phách ấy, của tư thế hiên ngang ấy chính là từ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự thống nhất ý chí và hành động của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, do điều kiện bắt buộc, trong đó, có cả những thời điểm đất nước ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu trú trong nhà dân. Trước khi đến ở Nhà số 48 Hàng Ngang, cũng trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, Bác Hồ đã ở nhà cụ Nguyễn Thị An ở phường Phú Thượng. Chồng cụ Nguyễn Thị An là cụ Công Ngọc Lâm, vốn là Chánh tổng của vùng đất này. Cụ Công Ngọc Lâm mất sớm, cụ Nguyễn Thị An cùng các con giác ngộ và đi theo Cách mạng. Đó cũng là một bài học khác về tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Bất cứ ai, dù thuộc tầng lớp nào, cũng có thể đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước...

Năm tháng qua đi, những hiện vật về cuộc đời hoạt động của Bác, nhất là những hiện vật gắn với dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn đang được giới thiệu sống động. Nhưng điều đáng nói hơn là những câu chuyện xúc động, thiêng liêng về tư tưởng, đạo đức của Người. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Người luôn để lại bài học về tinh thần đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân cho hậu thế.

Năm tháng qua đi, những hiện vật về cuộc đời hoạt động của Bác, nhất là những hiện vật gắn với dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn đang được giới thiệu sống động. Nhưng điều đáng nói hơn là những câu chuyện xúc động, thiêng liêng về tư tưởng, đạo đức của Người. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Người luôn để lại bài học về tinh thần đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân cho hậu thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăm lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO