Không cách giáo dục nào bằng thanh tra, kiểm tra kịp thời. Khi phát hiện ra, xử lý thật nghiêm.
Ngay sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chống tham nhũng tiếp tục là vấn đề được nhiều cử tri phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tại các cuộc tiếp xúc cử tri; nhất là tình trạng tham nhũng vặt, ăn chặn tiền từ gói hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trao đổi với ĐĐK, ông Lê Như Tiến (ĐBQH khóa XIII) cho rằng, cần phát huy vai trò thanh, kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với cấp dưới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
PV:Trước tình trạng ăn chặn tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Đầu tiên phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được Đảng, Nhà nước làm rất quyết liệt; đưa vào vòng lao lý kể cả các cán bộ cao cấp là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng. Nhưng ở những thời điểm cam go nhất của đất nước như chống dịch Covid-19 lại phát hiện việc lợi dụng dịch để nâng khống giá thiết bị y tế cho chống dịch cao gấp 3-4 lần. Tôi cho đây là một tội ác, chúng ta cần xử lý nghiêm.
Hay như các gói hỗ trợ chính sách cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của dịch nhưng gói này lại thường về nhà các cán bộ lãnh đạo của địa phương, không về đến tay người nghèo thật sự. Chúng ta cần phải lên án và xử lý nghiêm những hành vi này. Gói hỗ trợ phải đến đúng đối tượng người nghèo đang đứng bên bờ vực của sinh tử. Có vài trăm nghìn, hoặc gần 1 triệu đồng lại bị ăn chặn chẳng khác gì việc tại một số địa phương có tình trạng ăn chặn gạo cứu trợ của những người dân khi mùa màng bị mất trắng do thiên tai, lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn, lốc xoáy.
Trong đợt hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 xuất hiện việc một số cán bộ cấp xã, phường ghi tên con cháu thay cho người nghèo để nhận tiền hỗ trợ. Thật là đau xót! Do đó chúng ta cần phải xử lý kỷ luật thật nghiêm.
Việc ăn chặn của người nghèo là một tội ác, nhưng vấn đề này không phải mới mà cũng đã từng diễn ra, đến nay vẫn chưa ngăn chặn được. Cứ ban hành hỗ trợ lại phải lo cách để ngăn chặn việc ăn chặn thì thật là đáng buồn, thưa ông?
- Chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đã bị cấp dưới lợi dụng. Nó chẳng khác gì “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Ở trên có chính sách rất tốt đẹp như “trải thảm cho người nghèo” nhưng ở dưới lại “rải đinh”, dựng “barie” nhằm vô hiệu hóa các chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước. Vì vậy không chỉ đưa gói hỗ trợ hay chính sách xuống là xong mà chúng ta cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Như vậy, phải chăng tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn hiệu quả?
- Trong công tác PCTN vừa qua, chúng ta làm rất quyết liệt nhưng tham nhũng có mặt khắp nơi và len lỏi vào trong từng con phố, đơn vị với nhiều biểu hiện, vỏ bọc khác nhau rất tinh vi. Nếu không tìm ra được những yếu tố tinh vi của tham nhũng để ngăn chặn, thì ăn chặn cũng là một thứ tham nhũng. Những người làm nhiệm vụ ở cơ quan công quyền ra chợ ăn chặn của dân. Đó chính là tham nhũng, tuy là tham nhũng vặt nhưng nói như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì “rất là nhức nhối”.
Qua những vụ việc trên tôi muốn nói rằng nó đã có biểu hiện tràn lan và nhiều chứ không còn là cá thể hay nhỏ lẻ nữa.
Vậy, muốn ngăn chặn tham nhũng thì yếu tố công tác cán bộ phải được lưu tâm tới đầu tiên, thưa ông?
- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu là cán bộ đảng viên thì chúng ta phải có hình thức cách chức và khai trừ Đảng, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chính là lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. Mặt khác việc đánh mất niềm tin của nhân dân cũng chính là lợi dụng chức vụ quyền hạn để gây hậu quả nghiêm trọng.
Nói nghiêm trọng là vì nhân dân không còn tin vào chính sách hỗ trợ tốt đẹp của Nhà nước nữa. Và những cán bộ tham nhũng không còn xứng đáng là người lãnh đạo người dân.
Bộ máy những người làm công tác thanh tra, kiểm tra chúng ta có ở khắp nơi. Từ cấp quận, huyện; tỉnh, thành phố; bộ, ngành và Chính phủ. Bên cạnh đó có giám sát của các cơ quan dân cử là HĐND các cấp, đoàn ĐBQH các địa phương. Hay ngay nên Đảng cũng có cơ quan kiểm tra của các tổ chức Đảng từ xã, phường cho đến tỉnh, thành phố và Trung ương. Như vậy chính quyền có, các cơ quan dân cử có, Đảng cũng có. Cho nên cần phát huy vai trò thanh tra, kiểm tra của các cơ quan này.
Nhưng tôi cho rằng cần phát huy vai trò kiểm tra của cơ quan cấp trên trong theo dõi và xem cấp dưới thực hiện có đúng hay không. Đó chính là trách nhiệm người đứng đầu và đây là vấn đề rất quan trọng. Việc kiểm tra, đôn đốc thường xuyên kịp thời mới ngăn chặn được ngay từ trong “trứng nước”. Nếu không chính sách tốt đẹp sẽ bị lợi dụng, trục lợi.
Đặc biệt, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục kịp thời, có vai trò đóng góp của các cơ quan truyền thông báo chí thì rất cần tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên. Và không cách giáo dục nào bằng thanh tra, kiểm tra kịp thời. Khi phát hiện ra, xử lý thật nghiêm. Mỗi chủ trương đề ra đều phải có giải pháp đi kèm. Có như vậy mới ngăn chặn tham nhũng và đẩy lùi được tham nhũng.
Trân trọng cảm ơn ông!