Không ít những thiết bị y tế bị các đối tượng "thổi giá" thông qua những gói thầu nhằm mục đích trục lợi.
Chiều ngày 23/10, tại Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ,Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ (đạt 87,05%), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chưa có thống kê nào tính đếm được trên cả nước tới nay đã có bao nhiêu tỷ đồng ngân sách đã bị sử dụng một cách lãng phí khi hàng loạt những thiết bị y tế bị các đối tượng "thổi giá" thông qua gói thầu nhằm mục đích trục lợi.
Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội mặc dù đã được đưa ra xét xử nhưng dư âm của nó vẫn hiện hữu.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 theo phương thức chỉ định thầu.
Với thủ đoạn thông đồng, nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng, hệ thống xét nghiệm tự động Realtime PCR đã bị đội giá gấp nhiều lần, từ khoảng hơn 2 tỷ đồng lên tới hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Tháng 9/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ án hình sự và chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 10 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", trong đó, ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội có nhiều sai phạm trong chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm PCR.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm tự động PCR gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Hiện cơ quan điều tra đã thu hồi được toàn bộ số tiền do các bị can và gia đình tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.
Sự việc nâng khống máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và một số đơn vị liên quan lại tiếp tục gây xôn xao dư luận.
Cơ quan chức năng xác định, các đối tượng đã có hành vi nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai lên gấp 4 lần.
Từ năm 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca mổ thần kinh và cơ xương khớp bằng thiết bị phẫu thuật robot Roxa và Mako, với số tiền chênh lệch mà các đối tượng chiếm đoạt của người bệnh khoảng 10 tỷ đồng.
Không chỉ có "thổi giá", một số cơ sở y tế còn bị phát hiện sử dụng các trang thiết bị y tế kém chất lượng, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người bệnh.
Những sự việc liên tiếp xảy ra tại các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến đầu nói trên khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: có hay không sự "bắt tay", thông đồng tạo "quân xanh, quân đỏ", móc nối liên hoàn giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn... nhằm mục đích trục lợi?
Để công khai, minh bạch thông tin giá trang thiết bị y tế trong mua sắm, đấu thầu, không để tình trạng "thổi giá", "đội giá" như thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức khai trương Cổng điện tử, công khai giá niêm yết trang thiết bị y tế đi kèm cấu hình, tính năng, kỹ thuật...
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc làm này là cơ sở để các đơn vị y tế tham khảo, lập dự toán.
Trước đó, các bộ ngành cũng đã ban hành Luật Đấu thầu, cùng một số nghị định hướng dẫn chi tiết các nguyên tắc trong thực hiện mua sắm công sản. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng trong mua sắm trang thiết bị y tế sẽ không thể nào chấm dứt, khi các nhóm lợi ích ngày càng câu kết chặt chẽ với nhau để trục lợi trên "xương máu" người bệnh.
Tự chủ bệnh viện công, xã hội hóa việc mua sắm trang thiết bị y tế là điều cần thiết để các bệnh viện tự nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Thế nhưng, việc làm này cần có sự gắn bó mật thiết với trách nhiệm xã hội cũng như tính nhân văn của ngành y tế.