Tham nhũng trong giáo dục: Còn phức tạp

Thu Trang 25/12/2015 10:30

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm Luật phòng chống tham nhũng. Theo đó, trong dự thảo báo cáo tổng kết, Bộ GD&ĐT cho biết: Từ năm 2006 đến nay, có 7 vụ việc phát hiện vi phạm của các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT, kỷ luật 10 người, 1 vụ đã có bản án của Tòa án. 

Qua hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh, tình hình tham nhũng trong giáo dục vẫn còn nhiều phức tạp. Trong đó có những bất cập về quản lý, thanh tra và giám sát tại các cơ sở giáo dục. Nhiều vụ việc chưa được phát hiện, xử lý kịp thời…

Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, cùng với cả hệ thống chính trị, Bộ GD&ĐT với nhiều giải pháp đồng bộ đã tập trung, hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị bằng các hình thức khác nhau: thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên trong toàn ngành hiểu, thay đổi nhận thức và có hành động đúng đắn về PCTN; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để giúp các cơ sở giáo dục, địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện; xây dựng tổ chức bộ máy, tổ chức hoạt động của thanh tra các cấp…

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT: Thời gian qua, tình hình tham nhũng nói chung vẫn diễn ra phức tạp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp. Việc thực hiện kết luận thanh tra thiếu chế tài cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành.

Minh chứng cho những hạn chế trên, Dự thảo Báo cáo Tổng kết của Bộ GD&ĐT cũng cho biết về những vụ việc nghiêm trọng được phát hiện tại cơ sở giáo dục trong thời gian 10 năm qua: Tại trường ĐHSP Kỹ thuật Hưng Yên, 1 giáo viên nhận tiền của sinh viên để phô tô bài giải thi hết môn (với số tiền là 24.200.000 đồng), hình thức buộc thôi việc (hành vi mua bán điểm); Tại trường ĐH Quy Nhơn, 1 vụ lạm thu chi quỹ xe đạp, xe máy. Cơ quan điều tra khởi tố một hiệu trưởng và 3 cán bộ nhân viên. Việc thu và sử dụng phí giữ xe không đúng theo quy định của Nhà nước trong những năm thuộc nhiệm kỳ 1999 – 2003 và 2003 – 2008 của Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt đã gây thiệt hại 934 triệu đồng (kết luận của tòa án); Tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, 1 giáo viên yêu cầu sinh viên nộp tiền trong khiđang thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên làm đề án môn học, đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo và chuyển làm công tác khác 1 năm; Tại Trường ĐHSP thuộc ĐH Đà Nẵng, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 cán bộ văn thư qua tố cáo của sinh viên lợi dụng nhiệm vụ được giao có sai phạm trong công tác để vụ lợi; Tại Trung tâm tin học Kinh tế thuộc Trường ĐH Kinh tế TP HCM, 1 nhóm người có hành vi vi phạm trong việc quản lý tài chính sai quy định để vụ lợi. Đã xử lý kỷ luật và chuyển công tác khác 4 người, gồm cảnh cáo giám đốc Trung tâm; Khiển trách 1 Phó giám đốc và 2 nhân viên; Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, năm 2009 đã xử lý kỷ luật 1 trưởng khoa vì có sai phạm trong việc quản lý kinh phí các lớp đào tạo liên kết tại đơn vị; Tại cơ quan Bộ, đã kỷ luật cảnh cáo 1 cán bộ công chức vì hành vi lợi dụng trách nhiệm được phân công, có vi phạm trong việc quản lý chứng chỉ.

Để xảy ra những trường hợp trên, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu một số khó khăn, bất cập. Ông cho rằng, hiện nay Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, quy định chế tài xử lý hành vi tham nhũng chưa đủ mạnh, quá trình thực hiện quản lý vẫn còn lỗ hổng, sơ hở, lỏng lẻo, phát sinh tệ tham nhũng tại các cơ sở giáo dục. Việc phân cấp mạnh cho địa phương, việc tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục là xu hướng tốt song mặt trái của nó cũng có phần liên quan đến công tác PCTN. Tổ chức bộ máy, đội ngũ làm công tác PCTN còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham nhũng trong giáo dục: Còn phức tạp