Ngày 12/5, tại Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dự án thủy điện Pắc Beng (Lào) trên dòng chính sông Mê Kông với sự tham gia của các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các nhà khoa học, nhà quản lý ở các Viện, trường.
Quang cảnh hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Bộ trường Bộ tài nguyên và môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn nên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của việc các quốc gia Trung Quốc, Lào, Thái Lan xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, đòi sống và môi trường cho vùng ĐBSCL, gây nên những tác động kép về môi trường và sụt lún, sạt lở đất.
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (UBSMKVN) đã thường xuyên thúc đẩy các quốc gia ở thượng nguồn nghiêm túc thực hiện hiệp định Mê Công 1995 về việc hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công. UBSMK quốc tế cũng đã tiến hành đánh giá kỹ thuật và tham vấn về các dự án thủy điện từ 20/12/2016 đến nay để tham vấn trước cho công trình thủy điện của Lào nhằm tập hợp ý kiến của các bên liên quan đánh giá số liệu về chất lượng nước, kinh tế xã hội, giao thông, an toàn đập, thủy lực, thủy văn, phù sa bùn cát, thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh.
Theo nhận định của Ban thư ký ủy hội sông Mê Kông quốc tế thì Dự án thủy điện Pắc Beng sẽ gây tác động lớn đến thủy sản, vận chuyển phù sa bùn cát và hệ sinh thái khu vực hạ lưu, gây nguy cơ đe dọa dẫn tới tuyệt chủng loại ca da trơn
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực UBSMK, Thủy điện Pắc Beng cùng Xayabury và Don Sa Hong sẽ làm ĐBSCL chắc chắn phải gánh chịu tất cả các tác động tích lũy từ các công trình trên dòng Mê Kông.
ĐBSCL mất đi 5% phù sa, tổng lượng chảy tháng giảm 6,2%, kéo theo hàng loạt các vấn đề về đánh bắt nuôi trồng thủy sản, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, sinh kế của hàng triệu người dân.
Thủy điện Pắc Beng (thuộc huyện Pắc Beng, tỉnh Oudomxay, Lào) là công trình thủy điện thứ nhất trong chuỗi bậc thang thủy điện trên dòng chính dự kiến được xây dựng trong vùng hạ lưu vực sông Mê Kông. Nếu Pắc Beng được xây dựng, đây sẽ là công trình thủy điện thứ 3 của Lào xây dựng trên dòng chính Mê Kông, sau Xayabury (khởi công năm 2012) và Don Sa Hong (khởi công 2015).
Tổ chuyên gia cũng nhận định, từ việc giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về phía hạ lưu sẽ dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Tính toán sơ bộ cho thấy, tác động tích lũy của dự án Pắc Beng cũng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Kông có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL.
Hiện nay, những biểu hiện về thay đổi chế độ dòng chảy và mức độ xâm nhập mặn, sạt lở có xu thế diễn biến bất thường và dự báo sẽ gia tăng do tác động của các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Kông. Đánh giá sơ bộ cho thấy tác động tích lũy của dự án Pắc Beng cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sẽ góp phần làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn và tăng thêm mức độ ảnh hưởng cho khoảng 16-29% dân số ở ĐBSCL.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu những quan ngại về tác động xuyên biên giới của công trình thủy điện Pắc Beng, đặc biệt là các tác động đối với thủy sản, phù sa, sinh kế của người dân thượng và hạ lưu đập.
Các đại biểu cũng yêu cầu phải có thêm bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của các giải pháp mà chủ đầu tư đưa ra đối với cá di cư, bãi đẻ của cá và cần bổ sung tính toán cho trường hợp vỡ đập và an toàn trong phòng chống lũ; tính toán cụ thể lượng bùn cát bị giữ lại trên hồ theo tính chất bùn cát: lơ lửng và bùn cát đáy; cần tính toán tác động của công trình Pắc-Beng lũy tích cùng với công trình Xayaburyvà Đôn Sa Hong và với toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính.
Bên cạnh các hoạt động tham vấn chính thức, các ý kiến góp ý cũng sẽ được tập hợp qua các kênh văn bản chính thức, qua trang web, hòm thư điện tử gửi tới Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế và Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam.
Theo kế hoạch, các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế sẽ thông báo ý kiến của mình về Dự án thủy điện Pắc Beng cho Chính phủ Lào thông qua Ủy hội sông Mê Kông quốc tế vào tháng 6 năm 2017. Ý kiến tham vấn các bên liên quan của quốc gia sẽ được tổng hợp vào ý kiến của Việt Nam về Dự án thủy điện Pắc Beng vào tháng 6/2017.