Một trong những nguyên tắc nền tảng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là bộ máy nhà nước phải vận hành theo tinh thần thượng tôn pháp luật với mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích đất nước, nhân dân. Tư tưởng pháp quyền xuyên suốt tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã khẳng định vai trò của hiến pháp và pháp luật: “Bảy xin hiến pháp ban hành; Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới, “thần linh pháp quyền” càng được đề cao và điều chỉnh sự vận hành của xã hội, đặc biệt yêu cầu cao với bộ máy công quyền. Tinh thần của Hiến pháp mới sửa đổi và nhiều bộ luật đã và đang được xây dựng trong giai đoạn gần đây toát ra một thông điệp rất quan trọng: luật pháp phục vụ cho sự phát triển của đất nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Hệ thống pháp luật ngày càng cụ thể hóa các quy định về quyền công dân đã được hiến định. Đồng thời cũng giới hạn quyền và làm rõ trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ thuộc bộ máy công quyền.
Theo tinh thần đó, công dân có quyền làm những điều pháp luật không cấm, còn công chức nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép. Đây cũng chính là một trong những thông điệp quan trọng mà nhiều nhà lãnh đạo nước ta đã từng không ít lần đưa ra với cam kết quyết tâm thực hiện để cải thiện môi trường pháp lý, khuyến khích kinh doanh, đầu tư, làm ăn thông thoáng, khai thác mọi nguồn lực của xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các tổ chức quốc tế, nhiều công cụ kiểm soát, giám sát và điều tra chất lượng, hiệu quả của nền hành chính công đã được sử dụng, tham khảo nhằm cải thiện tình hình một cách tích cực nhất. Tuy nhiên, bên cạnh một số thành quả cơ bản của đổi mới vẫn tồn tại không ít chỉ số đáng lo ngại. Một trong những chỉ số đó là tình trạng cán bộ tham nhũng, tiêu cực gây khó khăn cho nhân dân và doanh nghiệp trong nhiều năm qua vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tích cực. Khả năng chịu đựng và “sống chung với tham nhũng” của doanh nghiệp và người dân có vẻ như đang ngày càng tăng cao. Kết quả của những cuộc điều tra xã hội độc lập cho thấy sự phàn nàn của doanh nghiệp và người dân về tình trạng cán bộ tham nhũng, gây khó khăn cho công việc làm ăn, sinh sống đang ngày càng gia tăng.
Hậu quả của tình trạng này đã góp phần tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp, cho người dân, làm giảm sút đáng kể khả năng cạnh tranh. Vụ hình sự hóa những vi phạm của quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh, TP HCM mới đây cho thấy một thực tế phổ biến đang gây áp lực và tạo gánh nặng cho rất nhiều người muốn khởi nghiệp. Ông Lê Mạnh Hà- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã phải nói rằng, nếu chủ quán cà phê Xin Chào “thua” thì mọi doanh nghiệp đều có thể đi tù. Thực tế này cho thấy việc vận dụng pháp luật, giải thích pháp luật và nhất là động cơ của những người được Nhà nước giao trách nhiệm thực thi và bảo vệ pháp luật hiện đang tồn tại không ít vấn đề đáng lo ngại.
Tuy nhiên, trong vụ “cà phê Xin Chào” xuất hiện một thực tế còn đáng lo ngại hơn, đó là sự tắc trách của các cơ quan giám sát và bảo vệ pháp luật trong quá trình điều tra, tố tụng. Sự tắc trách này cho thấy có hiện tượng hoặc là thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực hoặc là có sự “bắt tay” chia sẻ lợi ích nhóm để các cán bộ công quyền dễ dàng bỏ qua nhiều thủ tục, quy trình và quy định rất cụ thể của pháp luật, sẵn sàng vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cho tới khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, công luận lên tiếng, hiện tượng “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ” vẫn mặc nhiên xuất hiện như thói quen thường thấy.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu vụ “quán cà phê Xin Chào” này mà không có ý kiến chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ còn lằng nhằng. Trong trường hợp đó, người dân càng thêm thiệt hại, số phận càng hẩm hiu. Thiệt đơn, thiệt kép mỗi khi có việc chạm tới công đường hầu như trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp cho mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh cán bộ công chức nhũng nhiễu, “hành xử độc ác” với dân và doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng. Điều này càng khiến cho các chỉ số đo lường “sức chịu đựng tham nhũng” của xã hội ngày càng gia tăng.
Khi vụ việc đã rõ ràng, lời trần tình mà những cán bộ có trách nhiệm, giữ các vị trí chủ yếu trong việc hành xử sai trái chỉ đơn giản là “vì năng lực trình độ hạn chế, nên dẫn tới các sai sót, nhận thức và đánh giá chưa đúng các căn cứ pháp luật” để xử lý vụ việc. Đáng buồn hơn là nhận thức pháp luật còn nhiều sai sót này qua nội dung trần tình của người trong cuộc cho thấy không chỉ là hiện tượng đơn lẻ, cá biệt của một cá nhân mà đang có nguy cơ trở thành khá phổ biến trong nhiều cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật. Sự giám sát và phản biện giữa các cơ quan độc lập trong quy trình điều tra, tố tụng qua vụ này cho thấy được thực hiện với quá nhiều tắc trách và sai sót đã gây oan sai và sự bức xúc cho xã hội. Nguyên nhân không chỉ do việc hành xử tùy tiện, lạm quyền của những người thực thi công vụ mà còn do thể chế, chính sách chưa thật sự xác định rõ mục tiêu phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước.
Thân phận con người, số phận của doanh nghiệp và các nỗi lo, gánh nặng của xã hội có sự góp phần không nhỏ của chính sự thực thi pháp luật tắc trách, do những cán bộ, công chức thiếu năng lực, nhận thức sai sót và thiếu cả tấm lòng đối với đồng bào của chính mình. Xây dựng được một hệ thống pháp luật phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước đã khó, cái khó hơn là làm sao để có một bộ máy công quyền với những con người cụ thể biết coi trọng “thần linh pháp quyền”, biết hành xử công bằng, vì công lý, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.