Với đặc tính phổ biến, tác dụng nhanh trong giảm đau, hạ sốt và không phải thuốc kê đơn - tức là người dân có thể tự mua tại các hiệu thuốc, các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen, efferalgan được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng mỗi khi bản thân có biểu hiện đau, sốt. Thế nhưng, không ít người đã phải chịu hậu quả nặng nề vì lạm dụng những loại thuốc giảm đau, hạ sốt này.
Lạm dụng thuốc giảm đau
Chị Đặng Thị N. A. (25 tuổi)ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm, mệt mỏi, nôn nhiều, da vàng đậm, bụng chướng đau. Khai thác tiền sử cho thấy, 6 ngày trước khi vào viện, chị A. đau đầu đã tự ý mua paracetamol uống 4 viên loại 500mg/ngày, trong 6 ngày, tổng liều là 12g. Sau 3 giờ nhập viện và làm đầy đủ các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán suy gan cấp do ngộ độc thuốc paracetamol.
Các bác sĩ cho hay, chức năng gan của bệnh nhân tại thời điểm nhập viện bị rối loạn nặng. Ngay lập tức người bệnh được tiến hành điều trị theo thuốc giải độc đặc hiệu Acetylcystein đường tĩnh mạch liên tục 20h, hỗ trợ tế bào gan, dinh dưỡng. Sau 6 ngày điều trị, tình trạng người bệnh đã dần ổn định.
Một trường hợp khác được Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng thông tin, bệnh nhân B.T. (27 tuổi, Quảng Ngãi) nhập viện vì suy gan cấp do dùng paracetamol trong thời gian dài.
Cụ thể, bệnh nhân cho biết khoảng 15 ngày gần đây anh xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt. Do người mệt mỏi, ăn uống kém hay nôn ói, anh T. đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.
Các bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm chẩn đoán với virus viêm gan B, C và các virus viêm gan khác nhưng đều cho kết quả âm tính. Qua khai thác bệnh sử được biết trước đó, người bệnh từng uống khoảng 80 viên paracetamol trong vòng 2 tháng để chữa đau nhức cơ.
Ekip bác sĩ đã tiến hành điều trị tình trạng suy gan cấp nặng ở người bệnh bằng phương pháp thay huyết tương kèm theo điều trị hỗ trợ trong lúc chờ đợi gan hồi phục. Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh hiện tại ổn định
Khảo sát nhanh tại một vài bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các trường hợp phải nhập viện vì lạm dụng thuốc giảm đau không hề nhỏ. Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận không ít bệnh nhân tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận, đái tháo đường do bị biến chứng sau quá trình lạm dụng thuốc giảm đau, đặc biệt là các loại thuốc Đông y có pha trộn nhiều chất hoặc thuốc Tây y mạnh có thể giữ muối, giữ nước lâu ngày...
Tại khoa Ngoại tiêu hóa tiết niệu, Bệnh viện Xanh Pôn mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bị chảy máu dạ dày, thủng dạ dày - tá tràng... do dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nhóm steroid và không steroid. Đa phần bệnh nhân là người có tuổi, bị các bệnh đau đầu, đau lưng, đau khớp... tự ý dùng các thuốc giảm đau trong thời gian dài. Do các bệnh lý gây đau không được điều trị dứt điểm, bệnh nhân càng lạm dụng thuốc giảm đau gây những tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
Nguy cơ nhờn thuốc
Theo các chuyên gia, khi dùng thuốc giảm đau quá thường xuyên hoặc nhiều hơn liều khuyến cáo, người dùng có thể quen với thuốc, nhờn thuốc. Hậu quả, cơn đau ngày càng trở nên tồi tệ hoặc xuất hiện nhiều hơn và người bệnh phải dùng liều cao hơn. Đơn cử, như với bệnh nhân đau đầu, vòng luẩn quẩn sẽ xảy ra gồm đau đầu - uống thuốc giảm đau - đau đầu nhiều hơn - uống thuốc nhiều hơn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai lý giải, lạm dụng thuốc giảm đau khi đau có thể làm mờ đi các triệu chứng nặng, khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám. Ví dụ, đau đầu nặng với các triệu chứng điển hình như cơn đau đến nhanh, buồn nôn, gặp khó khăn trong việc chọn từ để nói, đau đầu kèm cảm giác tê mỏi chân tay, cử động khó, đau tăng khi ho hay tập luyện có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ hoặc bệnh u não, viêm màng não... Nếu người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau, các triệu chứng nguy hiểm sẽ không được thể hiện rõ, gây khó khăn cho việc thăm khám.
Thuốc giảm đau chỉ giúp chữa hoặc giảm triệu chứng chứ không chữa được nguyên nhân gây bệnh. Muốn điều trị đau triệt để, cần xác định chính xác nguyên nhân. Do đó, khi cơn đau thường xuyên diễn ra, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc. Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn tới các biến chứng, nếu người bệnh tiêm ở những cơ sở y tế không đảm bảo yêu cầu và kỹ thuật tốt có thể gây biến chứng rất nặng.
Còn TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã có vàng da, chán ăn… tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Ngoài ra, khi lạm dụng các sản phẩm đó, người bệnh có thể bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo, ví dụ quá liều hoặc dùng kéo dài các chất dạng thuốc phiện như codein, tramadol có thể gây ngộ độc ảnh hưởng khả năng thở, táo bón, run tay chân, gây nghiện,… quá liều các chất gây co mạch dẫn tới cơn tăng huyết áp, đau tim, ngộ độc các thuốc kháng histamine gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim, quá liều thuốc giảm ho dextromethorphan gây lẫn lôn, ảo giác, hôn mê, nhịp tim nhanh,…Với trẻ nhỏ, các thành phần kết hợp này đều có nguy cơ gây thở yếu, ngừng thở.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân chỉ dùng thuốc theo đúng đơn bác sĩ, cần đi khám lại khi có cơn đau, không tự dùng lại đơn thuốc cũ. Khi bác sĩ kê đơn liên quan tới thuốc giảm đau, người bệnh cần chú ý khai báo tiền sử bệnh tật, cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để các bác sĩ chọn thuốc phù hợp, tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp. Khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn hoặc đau bụng dữ dội, nôn ói... cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu.