Việc linh hoạt chuyển trạng thái tổ chức dạy học ở các địa phương được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 tại từng thời điểm, ở từng địa bàn. Trong đó, việc mở cửa trường học cần đặt mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh lên hàng đầu.
An toàn mới đến trường
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cả nước hiện đang có 23 địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh. Có 8 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình và 32 tỉnh, thành phố còn lại đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Mới đây nhất, ngày 14/10, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị xem xét để học sinh ngoại thành Hà Nội trở lại trường. Nhiều huyện ngoại thành hiện là các “vùng xanh”, trong nhiều ngày không có ca mắc Covid-19.
Đây cũng là mong mỏi của nhiều bậc phụ huynh khi việc học trực tuyến dù đang được áp dụng nhưng hiệu quả khó có thể đảm bảo như được đến trường học trực tiếp.
Tuy nhiên, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết chưa có mốc thời gian cụ thể cho học sinh trở lại trường. Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, với TP Hà Nội, trong thời gian không xa, học sinh sẽ sớm quay lại trường. Đặc biệt Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành là điều kiện để thành phố, Sở GDĐT xây dựng kịch bản chi tiết cụ thể để học sinh sớm quay lại trường.
Trước đó, Sở GDĐT đã trình UBND TP Hà Nội 4 kịch bản cho học sinh trở lại trường. Trong các kịch bản, có phương án cho học sinh ở “vùng xanh” thuộc các huyện ngoại thành trở lại trường trước. Một phương án khác là cho học sinh các lớp đầu, cuối cấp học, lớp đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trở lại trường trước.
Về phía các địa phương, lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Ba Vì, Hà Nội cho rằng dù trong công điện triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký không đề cập việc trường học mở cửa trở lại, song nhiều trường ở Ba Vì đã trong tâm thế sẵn sàng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng nếu các em sớm được tiêm chủng, áp dụng từ khối 12 trước, việc mở cửa trường học về lâu dài sẽ yên tâm hơn.
Trên thực tế, khó khăn chính là chưa có vaccine cho học sinh dưới 18 tuổi. Hà Nội có tổng số 2,1 triệu học sinh, cộng với 900 nghìn trẻ em chưa đến tuổi đi học. Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm vaccine là chưa thể đảm bảo an toàn. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GDĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nghiên cứu kỹ, mở cửa theo lộ trình
Nghiên cứu các phương án để cho học sinh trở lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát là vấn đề được đặt ra với các địa phương, đúng như chỉ đạo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Ngày 15/10, Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết, thành phố đã thống nhất tổ chức cho học sinh phổ thông trên địa bàn xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) đi học từ ngày 18/10 theo kế hoạch. Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đi học từ ngày 25/10. Đối với các cấp học khác trên toàn thành phố về cơ bản đi học lại từ ngày 1/11. Từ nay đến lúc đó là khoảng thời gian để các trường vệ sinh bàn, ghế, lớp học… sẵn sàng cho việc dạy và học trực tiếp trở lại.
Trong khi đó, TP HCM đề xuất cho học sinh 2 trường đầu tiên đi học lại từ 20/10 là Trường tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An, nằm trên địa bàn xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, thực hiện cho các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12. Sau một thời gian, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm, nếu thấy an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh các khối lớp còn lại đến trường.
Đối với các trường học ở nội thành, đại diện Sở GDĐT TP HCM cho biết, thông tin tháng 1/2022 mở cửa lại mới là dự kiến. Việc mở cửa trường sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Chủ trương của Sở là sẽ mở cửa trường ở những nơi được xác định an toàn trong phòng, chống dịch và mở cửa từng bước, tận dụng thời gian an toàn để dạy học trực tiếp.
Hiện Sở GDĐT TP HCM đã trình UBND TP dự thảo lần 3 bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại các trường mầm non, phổ thông. Đặc biệt, dự thảo lần này có đưa ra tiêu chí an toàn tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cho biết 19/21 huyện (trừ TP Vinh và thị xã Cửa Lò) trong tỉnh đã chuyển sang dạy trực tiếp nhằm hoàn thành kế hoạch năm học, đồng thời bảo đảm chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các nhà trường vẫn duy trì một buổi học trực tuyến nhằm duy trì thói quen chủ động cho giáo viên, học sinh có thể chuyển sang học trực tuyến ngay nếu có dịch Covid-19 bùng phát.
Mong mỏi từng ngày cho con em được đi học lại là tâm tư của nhiều phụ huynh ở các địa phương học sinh chưa được đến trường học trực tiếp. Song một số phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng, hy vọng học sinh được tiêm vaccine thì mới yên tâm cho con đến trường.