Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Vũ Thị Huỳnh Trang - chuyên gia tuyển dụng nhân sự Hunufa Việt Nam cho hay, thủ đoạn tạo công việc ảo của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn và bất kỳ ai cũng có thể là “con mồi”.
PV: Thời gian qua, cũng đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo tìm việc qua mạng. Vậy tại sao nhiều người vẫn “sập bẫy” thưa bà?
Bà VŨ Vũ Thị Huỳnh Trang: Trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế, người lao động (NLĐ) duy trì công việc đã khó nay càng vất vả hơn khi nhiều doanh nghiệp cho nghỉ việc vì không có đơn hàng. Nếu mất việc làm, rõ ràng là mất thu nhập. Nôn nóng tìm việc để duy trì cho cuộc sống khiến bất cứ ai cũng có thể sập bẫy công việc “ảo”. Tuy nhiên, do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, nhiều chiêu trò nên khó có thể trách NLĐ khi họ đang trong giai đoạn khó khăn cần một công việc, chí ít là để có thu nhập đáp ứng cuộc sống.
Bà có thể phân tích rõ hơn về thủ đoạn tinh vi trong việc tạo dựng công việc “ảo”?
- Chưa nói đến các trang web, mỗi ngày điện thoại của chúng ta nhận rất nhiều tin nhắn từ các nền tảng. Dễ thấy nhất là các tin nhắc rác gửi đến số điện thoại với nội dung như: “Lazada, Tiki, Shopee… tuyển cộng tác viên bán hàng ảo để tăng lượng đơn hàng”, “nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử cho các shop kinh doanh online”, “xem video để tăng lượt mua bán”…. Đây là những thông tin dạng “Available Content” (nội dung sẵn có) để chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Google và cả mạng di động. Những nội dung như thế này ngày càng nhiều, chủ yếu là để dụ dỗ NLĐ nhẹ dạ cả tin.
Nắm bắt được “nhu cầu” mong muốn việc nhẹ lương cao của NLĐ, các đối tượng lừa đảo dùng chiêu thức mượn danh của một đơn vị nào đấy để mời gọi công việc với những lợi ích khó cưỡng khiến ai cũng lầm tưởng; đưa ra yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản như: chỉ cần có điện thoại thông minh, lap top và tài khoản ngân hàng, gợi ý về việc ngồi ở nhà cũng có tiền. Sau đó, yêu cầu NLĐ làm theo các chỉ dẫn như: click vào một đường link để tài khoản, nạp tiền, thông thường khoảng từ 100-500 nghìn đồng cho 1 tài khoản. Khi nạp tiền xong, bị cắt đứt liên lạc, hoặc truy cập tài khoản không được. Lúc đó NLĐ mới biết mình đã bị sập bẫy lừa. Nghiêm trọng hơn, với công nghệ lừa đảo ngày càng cao, rất nhiều người cũng đã bị mất sạch tiền trong các tài khoản, ví điện tử, bị mất cắp thông tin... Vì vậy hãy luôn thận trọng khi nhận những tin nhắn hoặc những lời mời gọi ngọt ngào về công việc kiếm tiền.
Vậy ai là đối tượng mà các nhóm lừa đảo công việc ảo hướng tới?
- Bất kỳ ai cũng có thể là đối tượng của các nhóm lừa đảo tìm việc làm. Nhưng cá nhân tôi nhận thấy những đối tượng dễ bị “sập bẫy” thường nằm ở nhóm phụ nữ, người lớn tuổi, sinh viên, kể cả những bà mẹ “bỉm sữa”.
Trân trọng cảm ơn bà!