Tháng 9/2023, thế giới chứng kiến loạt thiên tai chưa từng thấy và được coi là tháng thảm họa đối với nhiều vùng trên Trái Đất, trong vòng 100 năm. Nguyên nhân được cho là tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Ngày 24/9, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), tháng 9/2023 nhiều thảm họa bắt đầu bằng cơn bão Saola quét qua Hong Kong (Trung Quốc), gây ngập lụt trên diện rộng. "Sự ấm lên toàn cầu thực sự thay đổi các đặc tính của lượng mưa như tần suất, cường độ và thời gian" - Jungeun Chu, nhà khoa học về khí hậu và khí quyển tại Đại học Hong Kong nhận xét.
Tiếp ngay sau đó, bão Haiku gây ra thiệt hại cho Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) và một số khu vực khác ở phía Nam Trung Quốc, trong đó có Thâm Quyến; gây ngập lụt các ga tàu điện ngầm và biến nhiều con đường thành sông. Lượng mưa đo được trong một giờ cao nhất kể từ năm 1884. Đây là “cơn bão kép” rất hiếm thấy để hình thành một trận bão khác đổ bộ vào vùng ven biển Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong tháng 9, bão lũ không chỉ “gói lại” ở châu Á bởi các quốc gia vùng Địa Trung Hải cũng bị bão tàn phá. Bão Daniel hình thành ngày 5/9, đổ bộ vào Hy Lạp đầu tiên với lượng mưa trung bình lớn hơn lượng mưa của cả năm. Đường biến thành sông, những ngôi làng chìm trong nước, ít nhất 15 người thiệt mạng. Nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu tác động tương tự và ghi nhận ít nhất 7 người thiệt mạng.
Trong khi đó, một trận bão khác có tên Dana đã gây ra mưa lớn khắp Tây Ban Nha, phá hủy nhiều ngôi nhà và khiến ít nhất 3 người thiệt mạng.
Một số khu vực ở châu Mỹ cũng không ngoại lệ. Brazil ghi nhận hơn 30 người thiệt mạng trong một tuần sau các trận mưa lớn và lũ lụt ở bang Rio Grande do Sul. Nhà khí tượng học Brazil Maria Clara Sassaki cho biết, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm. Trong khi đó, tại Mỹ, ngập lụt ở Massachusetts đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà, cửa hàng và cơ sở hạ tầng như cầu đường, các con đập và đường sắt. Lượng mưa trong vòng 2 tuần tại một số khu vực của Massachusetts và New Hampshire nhiều hơn 300% lượng mưa trung bình của cả năm.
Tuy nhiên, tháng 9 được đánh dấu bằng thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất ở hai nước Bắc Phi là Libya và Morocco.
Ngày 11/9, cơn sóng thần ập vào thành phố cảng Derna, miền đông Libya. Bão Daniel được coi là trận lũ lụt với hậu quả nghiêm trọng nhất lịch sử châu Phi. Bão ập vào lúc 3 giờ sáng trút xuống một lượng nước khổng lồ. Đây là bão siêu mạnh trước đó đã quét qua Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari. Trận mưa kinh hoàng đã khiến 2 đập nước bị vỡ, tạo ra một cơn sóng cao tới 7m. Lượng nước khổng lồ này càn quét qua thành phố Derna bên bờ biển, xóa sổ hầu hết các khu dân cư và cuốn phăng những ngôi nhà ra biển.
Ngày 24/9, con số đưa ra của Liên hợp quốc là hơn 11.300 người thiệt mạng và ít nhất 10.000 người Libya vẫn mất tích mà nhiều người trong số đó được cho là đã bị cuốn ra biển hoặc bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Thi thể nạn nhân nằm khắp nơi, trên biển, trong thung lũng, dưới các tòa nhà do lũ lụt ở thành phố Derna. Bộ trưởng Hàng không dân dụng Libya Hichem Chkiouat cho biết, 25% thành phố đã biến mất. Trong khi đó, ngày 16/9, một nhóm cứu hộ thuộc Cục Bảo hộ dân sự (CPD) đã phát hiện hơn 400 thi thể trên một bờ biển ở thành phố Derna. Ông Natalino Bezzina - nhóm trưởng nhóm cứu hộ chia sẻ, số thi thể đó có thể bị nước lũ trong thành phố cuốn ra biển, sau đó lại bị sóng đánh dạt vào bờ trong sự cố 2 đập nước bị vỡ trong đêm ngày 10/9.
Còn tại Morocco, ngày 24/9, Bộ Ngân khố nước này đã công bố số liệu cập nhật mới nhất về thiệt hại trong trận động đất lịch sử xảy ra đêm 8/9 tại miền trung nước này. Ngoài số thương vong hơn 19.000 người (gần 3.000 người chết và hơn 16.000 người bị thương), động đất còn phá hủy hơn 29.000 ngôi làng; làm hư hại gần 60.000 ngôi nhà, (1/3 bị phá hủy hoàn toàn); ảnh hưởng cuộc sống của khoảng 2,8 triệu người, tương đương 2/3 dân số khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ Morocco đã thông qua quyết định chi hơn 11,7 tỷ USD cho chương trình tái thiết sau động đất kéo dài 5 năm.
Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do trận động đất 6,8 độ Richter là Al Haouz, Chichaoua, Taroudant, Marrakech, Ouarzazate và Azizlal.
Tính từ đầu năm tới nay, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ghi nhận các quốc gia đã phải chi ra 120 tỷ USD khắc phục thảm họa thiên nhiên. Trước đó, năm 2022, tổ chức này thống kê được 354 thảm họa thiên nhiên, tuy mức độ không nặng nề như trong năm 2023. Nếu như trước, các tổ chức cứu trợ quốc tế còn có thời gian dự phòng trước các tình huống mưa bão, hạn hán, nhưng vài năm trở lại đây, các thảm họa thiên nhiên diễn ra liên miên, khó lường và hậu quả ngày càng tàn khốc hơn. Và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chủ yếu gây ra thực trạng này.
Ông Kostas Lagouvardos - Giám đốc nghiên cứu Đài quan sát quốc gia Athens (Hy Lạp) cho rằng, với những gì đã xảy ra trong tháng 9, chúng ta sẽ phải xem lại một lần nữa tất cả các chính sách về hệ thống cảnh báo sớm, để tập hợp các nhà khoa học, các lực lượng đáp ứng khẩn cấp nhằm bảo vệ người dân. Có như thế mới có thể chuẩn bị đối phó, giảm bớt thiệt hại trước những thảm họa thiên nhiên thảm khốc hơn trong tương lai.
Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình dương, theo WMO, cần một hệ thống báo động sớm cho những thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu. Hệ thống này gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo, vệ tinh, cảm biến từ xa và các công nghệ khác. Chi phí phải bỏ ra có thể lên tới 145 tỷ USD.