Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng để thu hút những học sinh, sinh viên giỏi của Việt Nam sau khi học tập ở nước ngoài trở về cống hiến cho đất nước, Chính phủ cần có chính sách sử dụng nhân tài hợp lý hơn, doanh nghiệp cần hưởng ứng, các cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện.
PV:Thưa ông, câu chuyện “chảy máu chất xám” không phải bây giờ mới được nhìn nhận mà từ nhiều năm nay các nhà khoa học, chuyên gia đã chỉ ra, nghị trường Quốc hội nhiều năm cũng “nóng” vấn đề này nhưng vì sao “gỡ mãi vẫn rối”?
GS VS Phạm Minh Hạc: Hiện nay nhiều học sinh, sinh viên thành thạo ngoại ngữ tìm kiếm cơ hội du học ở ngoài biên giới lãnh thổ. Nhiều gia đình có điều kiện cũng chủ động cho con em đi du học. Nhiều trường của nước ngoài hiện vào các trường của Việt Nam để tìm kiếm người giỏi, chiêu sinh về trường họ… Điều đó không có gì sai và cũng rất bình thường. Giống như nhiều học sinh ở tất cả các địa phương trên cả nước tập trung học đại học, làm việc ở thành phố lớn mà không ở lại quê nhà dù ở địa phương cũng có phân hiệu của trường đại học đó mở.
Tuy nhiên, có một bộ phận những học sinh, sinh viên giỏi, đạt được các huy chương quốc tế hoặc những thành tích như vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia… ra nước ngoài du học và sau đó định cư luôn ở nước ngoài. Nhiều người nói rằng đó là hiện tượng “chảy máu chất xám” và bày tỏ lo lắng.
Tôi nghĩ có một điều luôn đúng là “chất xám” thực sự thì ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, nó chỉ chảy về nơi mà nó nhận được sự trân trọng, nâng niu với những điều kiện tốt nhất để có thể phát triển.
Nếu coi những sinh viên giỏi, những người tài là “chất xám” giống như một cái cây, được bón phân, tưới nước rồi nhưng phải có môi trường tốt để phát triển. Nếu chỉ giậm chân một chỗ thì cái cây đó sẽ chết hoặc còi cọc, không thể lớn hơn.
Nên vấn đề ở đây không đơn giản là chuyện đi hay ở của một vài cá nhân người tài, của du học sinh Việt Nam trở về nước hay ở lại nước ngoài mà liên quan đến chính sách sử dụng nhân tài của Chính phủ cần hợp lý hơn, doanh nghiệp cần hưởng ứng, các cơ quan nhà nước cũng thế…
Ông có thể nói rõ hơn những đề xuất này?
- Tôi lấy ví dụ thế này, dù chúng ta có thi cử công khai nhưng cũng đã có những tiêu cực bị phát hiện… Rồi vấn đề môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ tại cơ quan, công sở làm việc vẫn là rào cản để những người được đào tạo bài bản ở nước ngoài muốn trở về nước… Cách đây mấy năm, tôi nhớ có một bài báo kể câu chuyện về lương tiến sĩ thua cả một bác giúp việc, từng làm dậy sóng dư luận. Thực trạng đáng buồn đó không thể cải thiện nếu không có những chính sách ở tầm vĩ mô.
Một nghiên cứu sinh sau khi học tập ở nước ngoài theo đề án của Chính phủ tâm sự với tôi, lúc mới trở về nước, vị này rất hồ hởi muốn áp dụng, vận dụng được những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm học được ở nước ngoài vào cơ quan họ đang công tác song quá khó khăn do hàng loạt vấn đề cơ chế, thẩm định… Ngay cả việc áp dụng những kỹ thuật, kiến thức này vào giảng dạy cho các sinh viên trong nước cũng khó khăn do người học không quen, không mặn mà hưởng ứng. Còn việc đưa ví dụ cụ thể vào bài học như cách đào tạo ở nước ngoài thì khó do sự hợp tác của cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, doanh nghiệp Việt Nam không muốn tiết lộ ra ngoài hoặc chính họ cũng không được giữ nhiều dữ liệu quan trọng… Không sử dụng được những điểm mạnh họ có được khi du học thì lâu dần, có thể sẽ bị mất đi.
Theo tôi biết Việt Nam đã có những đề án nghiên cứu về vấn đề này, giải pháp, đề xuất cũng đã có nhưng có lẽ khi triển khai trong thực tế lại có những vướng mắc. Vấn đề bây giờ là mạnh dạn gỡ rối ra sao để người trẻ khi hăng hái trở về không bị nhụt chí.
Không nên trách những người trẻ chưa trở về đó. Mà trước hết, hãy nhìn vào chủ trương chính sách đào tạo tiếp những người có tài năng vào các ngành, lĩnh vực của đất nước, sau đó sử dụng họ ra sao. Phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này thì mới tìm ra được lời giải cho bài toán lãng phí chất xám chúng ta vẫn đề cập lâu nay.
Trân trọng cảm ơn ông!