Cầu nối Hà Bình với xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) yếu và hỏng nhưng trong suốt nhiều năm, tịnh không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng.
Cây cầu nối Hà Bình với xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) có vị trí đặc biệt quan trọng trong lưu thông cũng như giúp người dân của các địa phương giao thương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cầu đã bị hư hỏng nặng, nhưng hàng ngày vẫn phải oằn mình gánh chịu một lưu lượng lớn xe quá tải đi qua.
Chúng tôi có mặt tại cây cầu Hà Tân, huyện Hà Trung vào chiều ngày 29/9. Ngay đầu cầu phía Hà Bình là tấm biển “Cầu yếu” với lời cảnh báo “Hạn chế tải trọng và giảm tốc độ” được sơn xanh và bị đóng một lớp bụi dày.
Hàng loạt hạng mục trên thân cầu đã bị hư hỏng nặng. Lan can hai bên thành cầu bị bật mối hàn, bung đế. Phần mặt cầu bị sụt lún, bong tróc nghiêm trọng. Nhiều chỗ lộ sàn thép và có thể nhìn xuyên từ mặt cầu xuống lòng kênh. Cứ sau mỗi chuyến xe tải đi qua, cây cầu lại rung lên bần bật, bụi đá theo các khe nứt rơi ào ào xuống lòng con kênh thủy lợi. Chỉ bằng mắt thường quan sát cũng có thể đưa ra nhận định: Cây cầu có thể sập, gãy bất cứ lúc nào…
Đứng tại đây chỉ khoảng 15 phút, chúng tôi đã đếm được hàng chục lượt xe quá tải chở đá từ các mỏ, vật liệu qua lại. Nguy hiểm hơn, vì đây là con đường độc đạo nên không chỉ có mình xe tải trọng lớn đi qua mà cùng lúc còn có cả người dân đi xe đạp, xe thô sơ, xe gắn máy chen lấn nhau qua cầu.
Trao đổi với chúng tôi, bà Quách Thị Lam – trú tại thôn 2, xã Hà Tân bức xúc: Thực trạng cầu hỏng đã diễn ra trong nhiều năm nay, nhưng không được các cơ quan chức năng lẫn các doanh nghiệp khai đá lưu tâm sửa chữa hay làm mới. Cầu hỏng không chỉ tiềm ẩn tai nạn giao thông mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngày nắng thì bụi đá bay mù mịt, còn ngày mưa sình lầy kéo dài trên cả tuyến đường từ xã Hà Bình đến UBND xã Hà Tân. Do hệ lụy của cây cầu, đã nhiều lần người dân trong xã đưa ý kiến, kiến nghị xã phải sửa chữa hay làm mới lại cây cầu nhưng không ai để ý. Chúng tôi cho rằng, vì đây là cây cầu giáp gianh nên xã nọ đùn đẩy trách nhiệm cho xã kia”.
Tìm hiểu thêm từ phía người dân được biết: Cầu yếu và hỏng như đã nói ở trên nhưng trong suốt nhiều năm, tịnh không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, hoặc nếu lực lượng CSGT có đến thì cũng chỉ dừng xe kiểm tra chiếu lệ rồi đi, chứ hiếm khi nào thấy các xe chở quá tải bị xử lý.
Anh Nguyễn Văn Hưng – một lái xe trú tại thị xã Bỉm Sơn nói: “Cầu hư hỏng là rõ. Cũng biết cho xe trọng tải lớn qua cầu là nguy hiểm cả người lẫn xe. Tuy nhiên, không đi qua đây thì không còn đường nào khác. Hầu hết các mỏ đá tại Hà Tân đều phải phụ thuộc cây cầu này. Chỉ mong cấp ngành sớm làm mới cầu, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hà Tân cũng cho biết: Cây cầu không những có vai trò giao thương, phát triển kinh tế của xã, của nhân dân. Hiện tại, hàng chục mỏ đá đang khai thác, hoạt động đóng trên địa bàn cũng phụ thuộc chính yếu vào cây cầu này. Nếu cầu sập, người dân xã Hà Tân và các doanh nghiệp bị cô lập là điều không tránh khỏi. “Tình trạng hư hỏng của cây cầu đang ở mức báo động. Người dân, chính quyền 2 xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện. Huyện cũng đã tổ chức họp bàn, kêu gọi doanh nghiệp. Song, bao giờ cây cầu được làm mới thì chưa rõ!”, ông Huấn nói.